Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Erdogan tái khẳng định binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tới miền Bắc Iraq, gần TP Mosul, để đào tạo lực lượng Peshmerga của người Kurd “theo lời mời của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hồi năm ngoái”.
“Số lượng binh sĩ của chúng tôi (ở miền Bắc Iraq) có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc số lượng Peshmerga được đào tạo. Có rút binh sĩ của chúng tôi về nước hay không là câu hỏi không phù hợp vào lúc này” - ông Erdogan tuyên bố.
Cũng theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, nước này, Mỹ và chính quyền người Kurd tại Iraq sẽ tổ chức một cuộc họp ba bên vào ngày 21-12 nhưng ông không đề cập các cuộc đàm phán với Baghdad.
Cùng ngày 10-12, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã điện đàm với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Davutoglu cho ông Biden biết một đoàn đại biểu cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ, gồm cả giám đốc tình báo Hakan Fidan, chuẩn bị sang Iraq.
Ông Davutoglu nhấn mạnh Ankara sẽ tiếp tục phối hợp với Baghdad để hỗ trợ chính phủ Iraq chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trước đó, Iraq đã lên án hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là “thù địch, vi phạm toàn vẹn lãnh thổ” và đã yêu cầu NATO can thiệp.
Trang tin Sputnik cho hay việc quốc hội Iraq dọa hủy bỏ hiệp ước an ninh với Mỹ cho thấy Baghdad đang lo sợ Washington không kiềm chế Ankara, buộc họ phải tìm kiếm sự bảo vệ từ Nga và Iran. Chuyên gia phân tích Adam Whitcomb của Viện Chính sách Ngoại giao Vùng Vịnh cho rằng Iraq đã chuyển hướng sang phía liên minh Nga - Iran.
Tuy nhiên, ông Whitcomb cũng dự đoán Washington sẽ không chịu ngồi yên và từ bỏ hiệp ước an ninh một cách dễ dàng. Mỹ có thể đồng ý một số điều khoản của hiệp ước để duy trì mối quan hệ hiện tại. “Dẫu vậy, Iraq vẫn đang trượt xa khỏi Mỹ về phía các láng giềng phía Đông” - ông Whitcomb nhấn mạnh.
Về mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ, giáo sư Matthew Dal Santo tại Đại học Copenhagen nhận định Ankara đang có tham vọng lớn trong việc định hình tương lai của Trung Đông.
Bình luận (0)