Đại sứ Nga Andrei Karlov bị một viên cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắn chết trong khi phát biểu tại một cuộc triển lãm ở thủ đô Ankara vào tháng 12-2016. Nghi phạm hét lên "Allahu Akbar" (Thánh Allah vĩ đại) và "Đừng quên Aleppo" (tỉnh ở Syria) lúc nổ súng, dường như muốn nhắc tới sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria. Tay súng sau đó bị tiêu diệt ngay tại hiện trường.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đổ lỗi cho giáo sĩ người Hồi giáo Fethullah Gulen đứng sau vụ ám sát. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng cáo buộc mạng lưới do ông Gulen giật dây đứng sau nỗ lực đảo chính bất thành hồi tháng 7-2016. Tuy nhiên, ông Gulen - sống lưu vong ở Mỹ từ năm 1999 - đã phủ nhận tất cả cáo buộc.
Giáo sĩ Fethullah Gulen tại nhà riêng ở bang Pennsylvania - Mỹ tháng 10-2017. Ảnh: Reuters
Theo báo Haberturk, Ankara muốn bắt giáo sĩ Gulen cùng 7 đồng phạm vì họ "đã ra lệnh tiến hành vụ ám sát đại sứ Karlov".
Báo Hurriyet cho biết nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 7 người, trong đó có 3 nhân viên cảnh sát, liên quan đến vụ án tính đến thời điểm hiện tại.
Báo Haberturk hôm 2-4 cho biết động thái trên diễn ra 1 ngày trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Ông sẽ ở lại 2 ngày và có cuộc gặp với Tổng thống Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
Hai nhà lãnh đạo Nga – Thổ còn được cho là sẽ tham dự lễ động thổ nhà máy điện hạt nhân Akkuyu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hãng tin AP nhận định quan hệ giữa Moscow và Ankara ngày càng trở nên thân thiết hơn bao giờ hết. Hai nước đã gạt bỏ sự cạnh tranh trong quá khứ cùng những khác biệt về các vấn đề khu vực để thiết lập mối quan hệ kinh tế chặt chẽ.
Tháng 12 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn tất thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa S-400 của Nga. Bên cạnh nhà máy điện hạt nhân Akkuyu, hai nước cũng đang xây dựng đường ống "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" để vận chuyển khí đốt từ Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) không mấy suôn sẻ. Nhiều nước EU bày tỏ lo ngại về việc chính quyền Tổng thống Erdogan vi phạm nhân quyền. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ lên án các nước EU ủng hộ lực lượng người Kurd cũng như dính líu đến vụ đảo chính năm 2016.
Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nước này sẽ không trục xuất các nhà ngoại giao Nga giống như NATO và EU đang làm. Anh đã cáo buộc Nga đứng sau vụ "đầu độc" vào cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái song Điện Kremlin bác bỏ.
Bình luận (0)