“Lực lượng cận vệ của tổng thống sẽ không tồn tại nữa vì không có mục đích và nhu cầu” – Thủ tướng Binali Yildirim tuyên bố trên kênh truyền hình A Haber.
Lực lượng cận vệ của tổng thống gồm 2.500 binh sĩ nhưng ít nhất 283 người trong số đó bị bắt giữ sau cuộc đảo chính vào tuần rồi.
Trước đó, theo hãng thông tấn Anadolu, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ Muhammet Sait Gulen, cháu của giáo sĩ Fethellah Gulen, tại TP Erzurum vì bị nghi ngờ có liên quan đến cuộc đảo chính. Muhammet Sait Gulen sau đó được đưa về thủ đô Ankara để thẩm vấn.
Reuters dẫn lời một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay Halis Hanci, một trợ thủ đắc lực của giáo sĩ Gulen, đang sống lưu vong tại Mỹ, cũng đã bị bắt. Người này còn cho biết ông Hanci đến Thổ Nhĩ Kỳ 2 ngày trước khi xảy ra cuộc đảo chính.
Xa tăng của quân đảo chính bị bỏ lại trên đường phố. Ảnh: Reuters
Sau cuộc đảo chính, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tiến hành cuộc thanh trừng mạnh mẽ, bắt giữ hàng ngàn người bị nghi có liên quan, sa thải hàng ngàn quan chức chính phủ, giáo viên và hiệu trưởng của các trường đại học. Mới nhất, Ankara đã ra lệnh đóng của hơn 1.000 trường tư và hơn 1.200 tổ chức..
Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố hôm 20-7, cho phép tổng thống và nội các không cần thông qua Quốc hội khi soạn thảo luật mới, đình chỉ hoặc hạn chế các quyền và sự tự đo. Hôm 23-7, Tổng thống Erdogan đã quyết định nới rộng thời gian giam giữ, thẩm vấn điều tra nghi phạm lên 30 ngày mà không cần đưa ra cáo buộc. Cùng ngày, công tố viên trưởng Harun Kodalak cũng cho hay Thổ Nhĩ Kỳ đã phóng thích 1.200 binh sĩ bị bắt sau cuộc đảo chính.
Các biện pháp mạnh tay của Tổng thống Erdogan đã đối mặt làn sóng chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền, một số nước, như Pháp, Đức và các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, ông Erdogan sau đó khẳng định EU “có định kiến” với Thổ Nhĩ Kỳ.
Bình luận (0)