Đây là lần đầu tiên hai bên đi đến thỏa thuận này kể từ năm 2001 - một bước đi nhằm giảm tình trạng thừa nguồn cung dầu khiến giá sản phẩm này lao dốc thời gian qua.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih đánh giá thỏa thuận trên mang tính lịch sử, đánh dấu sự mở đầu của quá trình hợp tác lâu dài.
“Thỏa thuận sẽ đẩy nhanh sự ổn định của thị trường dầu, giảm bớt tình trạng biến động và thu hút các khoản đầu tư mới” - Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nhấn mạnh sau hội nghị ở thủ đô Vienna - Áo.
Theo thỏa thuận, các nước ngoài OPEC nhất trí cắt giảm 558.000 thùng dầu/ngày, trong đó Nga giảm 300.000 thùng dầu/ngày. Ông Novak cho biết quá trình cắt giảm của Nga sẽ diễn ra từ từ trong vòng 6 tháng.
Ngoài Nga, những nước còn lại chịu cắt giảm sản lượng gồm Azerbaijan, Bahrain, Bolivia, Brunei, Guinea Xích đạo, Kazakhstan, Malaysia, Mexico, Oman, Sudan và Nam Sudan.
Trước đó, OPEC hôm 30-11 nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác 1,2 triệu thùng dầu/ngày từ đầu năm 2017. Riêng nhà xuất khẩu hàng đầu Ả Rập Saudi sẽ cắt 486.000 thùng dầu/ngày.
Ngay sau khi các nhà sản xuất dầu ngoài OPEC hứa hẹn cắt giảm sản lượng, ông Falih nói Ả Rập Saudi có thể chấp nhận giảm thêm sản lượng khai thác, theo trang tin Bloomberg. Chuyên gia phân tích về dầu mỏ Amrita Sen của Công ty Energy Aspects Ltd. (Anh) nhận định động thái này cho thấy cam kết của Riyadh đối với nỗ lực tái cân bằng thị trường cũng như giảm bớt nỗi lo về việc OPEC có thực hiện nghiêm túc thỏa thuận hay không.
Giá dầu đã tăng hơn 15% (có lúc đạt mốc 55 USD/thùng) kể từ khi OPEC đồng ý cắt giảm sản lượng lần đầu tiên trong vòng 8 năm hôm 30-11. “Tất cả các nước này đều muốn giá dầu tăng. Họ thường tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi giá dầu tiếp tục tăng, sự tuân thủ đó sẽ giảm sút” - ông Gary Ross, nhà sáng lập Công ty Tư vấn Pira Energy (Mỹ), dự báo với Reuters.
Bình luận (0)