Trong khuôn khổ chương trình thăm chính thức Nhật Bản, sáng 5-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu mở đầu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 ở thủ đô Tokyo.
Toàn cầu hóa là xu thế
Hội nghị Tương lai châu Á là sự kiện được tổ chức thường niên bởi Nikkei - một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Nhật Bản và khu vực. Theo TTXVN, hội nghị năm nay diễn ra trong ngày 5 và 6-6 với chủ đề "Chủ nghĩa toàn cầu giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của châu Á".
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh toàn cầu hóa là xu thế và lịch sử cũng cho thấy toàn cầu hóa không chỉ là một tiến trình kinh tế mà còn phản ánh những khát vọng vươn xa, những mưu cầu hạnh phúc và chinh phục thử thách của loài người.
Thủ tướng nêu bật vai trò động lực tăng trưởng chủ chốt của châu Á đối với quá trình toàn cầu hóa, chỉ ra những thách thức lớn mà châu Á đang đối mặt và đề xuất 3 nhóm giải pháp chính gồm: Duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh châu Á đang có những thay đổi mang tính cấu trúc; giải quyết bài toán về mô hình phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và bao trùm; tối ưu hóa nguồn lực, phối hợp và phát huy vai trò tích cực của các định chế quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu ÁẢnh: Reuters
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam với sự tham dự của 1.600 đại biểu, doanh nghiệp, trong đó có 200 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam. Tại hội nghị, Thủ tướng giới thiệu về tình hình kinh tế - xã hội, tiềm năng phát triển của Việt Nam cũng như chia sẻ thêm những cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam mà các nhà đầu tư Nhật Bản có thể cân nhắc.
Chẳng hạn, Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn trong các lĩnh vực như vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Đây là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển.
"Thiên thời, địa lợi, nhân hòa"
Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư lâu dài tại Việt Nam, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới; nâng cao giá trị thương hiệu; năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp; tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu; phát triển thị trường tiêu thụ. Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với thị trường toàn cầu.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng Shinzo Abe cũng khẳng định tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ các hoạt động đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam.
Trước đó, trưa 5-6, tại buổi tọa đàm bàn tròn với các doanh nghiệp lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề cùng với việc Việt Nam tích cực đổi mới, cải cách, hoàn thiện chính sách, các doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản cần đẩy nhanh tiến độ triển khai, xúc tiến các dự án vào Việt Nam.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp gỡ một số doanh nghiệp, quỹ đầu tư lớn của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Phát biểu với các nhà đầu tư, Thủ tướng cho rằng đây là thời điểm "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", thời cơ tốt để các nhà đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Tadamori Oshima.
Bình luận (0)