Tỉ phú Donald Trump hôm 20-1 (giờ địa phương) tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 45 của Mỹ, mở ra một chương mới hứa hẹn đầy biến động cho đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc và không rõ hướng đi sắp tới, sau kết quả gây sốc trong cuộc bầu cử hồi tháng 11-2016.
Nội bộ rạn nứt
Trước sự chứng kiến của khoảng 900.000 người, trong đó có không ít người biểu tình phản đối, buổi lễ tuyên thệ của ông Trump và Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence diễn ra bên ngoài Đồi Capitol (trụ sở Quốc hội Mỹ) ở thủ đô Washington vào giữa trưa 20-1, theo sau là bài diễn văn nhậm chức của tân tổng thống. Khác với người tiền nhiệm Barack Obama, ông Trump, 70 tuổi, vào Nhà Trắng với tỉ lệ ủng hộ thấp kỷ lục trong 40 năm qua - 40%, theo thăm dò của đài ABC News/báo The Washington Post.
Chưa hết, nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông còn được “chào đón” bởi một loạt cuộc biểu tình diễn ra khắp Washington ngày 20-1 và cuộc tuần hành dự kiến thu hút đến 250.000 người tham gia ngày 21-1. Sự chia rẽ còn diễn ra trong chính trường khi, theo tờ The Washington Post, gần 70 nghị sĩ Đảng Dân chủ không tham dự sự kiện nói trên.
Ông Trump tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: AP
Những gì xảy ra ở trên báo hiệu ông Trump sẽ đối diện không ít trở ngại nếu thực sự muốn hàn gắn rạn nứt trong lòng nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhà lãnh đạo này cam kết sẽ đoàn kết đất nước trong bài phát biểu vào đêm trước ngày nhậm chức nhưng danh sách cần làm sau khi nắm quyền của ông lại khiến dư luận lo ngại sự chia rẽ chỉ tăng chứ không giảm. Theo Reuters, phe Cộng hòa đang kiểm soát lưỡng viện quốc hội hy vọng sẽ cùng ông Trump nhanh chóng bãi bỏ hoặc thay thế những di sản của người tiền nhiệm Obama, như đạo luật chăm sóc sức khỏe và những quy định bị họ xem là cản trở kinh tế phát triển.
Đảng Dân chủ dĩ nhiên không chịu khoanh tay đứng nhìn. Họ đang lên kế hoạch “ngáng đường” phe Cộng hòa bất kỳ khi nào có thể sau khi nhiều lần bày tỏ lập trường phản đối luận điệu chống người nhập cư và kế hoạch xây bức tường dọc biên giới với Mexico của ông Trump. “Nỗi lo sợ thật sự là ông ấy sẽ bắt đầu đảo ngược những tiến triển đạt được (dưới thời ông Obama) trong ngày làm việc đầu tiên. Chúng tôi đang trong tình trạng báo động về những điều này” - Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen của Đảng Dân chủ nói với tờ Baltimor Sun.
Thế giới hoang mang
Không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới cũng hoang mang khi kỷ nguyên của ông Trump bắt đầu. Vị tổng thống Mỹ thứ 45 đã kịp ghi dấu lên những xáo trộn của thế giới ngay từ khi ông đắc cử hồi tháng 11-2016. Trước khi nhậm chức, ông Trump đã kịp làm phật lòng đồng minh lâu năm Đức sau khi chọc giận Trung Quốc và gây căng thẳng với các lãnh đạo NATO, đồng thời khiến các đối tác khác của Liên minh châu Âu (EU) cảnh giác. Theo báo New York Times, sự khó đoán dường như là đặc điểm dễ đoán nhất ở ông Trump. Thế giới đang dần quen với những thông điệp đầy khiêu khích đăng tải trên mạng xã hội của vị lãnh đạo “nghiện” Twitter nhưng lại mù mờ về ý nghĩa của những thông điệp được ông đưa ra ở thế giới thị phi này. Liệu chúng có phải là những định hướng chính sách mới, đánh giá cá nhân hay chỉ đơn giản là ý nghĩ thoáng qua?
Nữ lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, Thủ tướng Đức Angela Merkel, hôm 16-1 đã thẳng thừng đáp lời rằng châu Âu “đủ khả năng tự quyết định số phận” sau những phát ngôn gây phẫn nộ của ông Trump về EU và Anh. Tân tổng thống Mỹ khi đó gọi EU “về cơ bản là một phương tiện cho Đức” và dự đoán khối này sẽ phải chứng kiến các thành viên khác nối gót Anh ra đi.
Ông còn cho rằng bà Merkel đã “phạm sai lầm nghiêm trọng” vì cho phép dòng người nhập cư đổ vào châu Âu. Bên cạnh đó, NATO bị ông Trump chỉ trích là “lỗi thời” vì cố tình không chống chủ nghĩa khủng bố. Cựu đại sứ Mỹ tại NATO Nicholas Burns cho rằng bình luận này không khác gì “đòn tấn công trực diện vào trật tự do chúng ta xây dựng từ năm 1945 và là sự khước từ ý tưởng Mỹ dẫn dắt phương Tây”.
Những phát ngôn hạ uy tín của NATO và danh dự của EU của ông Trump không khác gì mục tiêu mà Kremlin đang hướng tới, theo Giám đốc Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế Heather Conley. Tờ Time cũng cho rằng Moscow sẽ chào đón thái độ ngờ vực của tân tổng thống Mỹ với giá trị của NATO, cũng như thiện chí cải thiện quan hệ với Nga mà ông Trump không giấu giếm kể từ khi tranh cử.
Tương lai quan hệ Mỹ - Trung cũng là tâm điểm chú ý. Chủ tịch Ủy ban Chính sách Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc Lester Ross hôm 18-1 cảnh báo Bắc Kinh đang chuẩn bị các biện pháp trả đũa nếu ông Trump hiện thực hóa lời đe dọa áp đặt hạn chế thương mại và đầu tư đối với nền kinh tế số 2 thế giới.
Các biện pháp trả đũa được cho là đang được âm thầm chuẩn bị dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tuần này lên tiếng cảnh báo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos - Thụy Sĩ rằng một cuộc chiến thương mại sẽ chẳng đem lại lợi ích cho ai.
Mặt khác, tờ China Daily cảnh báo ông Trump đang “đùa với lửa” sau phát ngôn về chính sách “Một Trung Quốc” trên tờ The Wall Street Journal. Tờ báo của Trung Quốc khẳng định nếu Đài Loan bị đưa lên bàn đàm phán như lời ông Trump gợi ý, “Bắc Kinh không còn cách nào khác là phải tháo găng tay”.
Hành động trong ngày đầu tiên
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến bắt đầu ngày làm việc đầu tiên (20-1) bằng việc ký một số sắc lệnh mở đường cho việc trấn áp người nhập cư trái phép, xây bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico, xóa bỏ một loạt chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama.
Theo các phụ tá của ông Trump, sẽ có 4-5 sắc lệnh được ký trước tiên và con số này sẽ gia tăng trong tuần tới. Theo Reuters, các cố vấn của ông Trump đã chuẩn bị sẵn hơn 200 sắc lệnh để tổng thống xem xét ký duyệt. Những sắc lệnh này liên quan đến nhiều lĩnh vực, như chăm sóc sức khỏe, khí hậu, nhập cư, năng lượng... Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ chính xác có bao nhiêu sắc lệnh ông Trump sẽ ưu tiên ký ban hành trong những ngày đầu.
Một ngày sau khi nhậm chức, ông Trump có kế hoạch đến trụ sở Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở Langley, bang Virginia. Nhà lãnh đạo này từng hoài nghi kết luận của CIA, theo đó Nga liên quan đến các cuộc tấn công mạng nhằm can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trước khi chấp nhận nó. Lịch làm việc của ông Trump trong những tuần sau thậm chí còn dày đặc hơn, trong đó có các cuộc thảo luận với nghị sĩ Đảng Cộng hòa và trao đổi với những nhà lãnh đạo nước ngoài, tiếp tục bổ nhiệm các đại sứ, trợ lý và thứ trưởng… Những ưu tiên khác của ông Trump là rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); tái đàm phán với Canada và Mexico về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico; hủy bỏ những hạn chế về sản xuất năng lượng; cấm các thành viên trong chính quyền mình trở thành nhà vận động hành lang trong 5 năm sau khi rời nhiệm sở, cũng như cấm họ làm công việc này cho các chính phủ nước ngoài.
Theo truyền thống, tổng thống Mỹ ký một số sắc lệnh trong ngày nhậm chức mặc dù không phải tất cả chúng đều được thực thi. Chẳng hạn ông Obama từng ký sắc lệnh yêu cầu đóng cửa nhà tù vịnh Guantanamo, nơi giam giữ các nghi can khủng bố nhưng mục tiêu này cho đến giờ vẫn chưa hoàn thành. Xuân Mai
Bộ máy chưa hoàn chỉnh
Tiến trình chọn lựa nhân sự cho bộ máy của chính quyền tân Tổng thống Donald Trump vẫn tỏ ra chậm chạp hơn nhiều so với những đời tổng thống trước đó.
Tính đến ngày 19-1 (giờ Mỹ), chỉ có 2 trong số 15 đề cử bộ trưởng của ông Trump được các ủy ban của thượng viện bật đèn xanh: Tướng James Mattis - được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng và tướng về hưu John Kelly - được chọn cho vị trí Bộ trưởng An ninh nội địa. Các thành viên Đảng Cộng hòa ở thượng viện từng hy vọng sẽ có 7 thành viên nội các được chính thức thông qua ngày 20-1. Tuy nhiên, theo Reuters, các thành viên Đảng Dân chủ đã cản trở tiến trình này. Nội các của ông Trump gồm 21 thành viên, bên cạnh 6 vị trí khác cần được thượng viện thông qua. Sau khi đến Washington để tham gia lễ nhậm chức, ông Trump hôm 19-1 khoe nước Mỹ hiện có một nội các với chỉ số IQ cao nhất từ trước đến giờ.
Chưa hết, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump còn bất ngờ thông báo kế hoạch giữ lại 50 quan chức an ninh và ngoại giao dưới thời ông Obama để bảo đảm “tính liên tục trong hoạt động chính phủ” cho đến khi tìm được người thay thế. Trong số này có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Robert Work, ông Brett McGurk (phái viên của liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Washington đứng đầu), Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về các vấn đề chính trị Thomas Shannon...
Dù vậy, ít ra ông Trump hiện chưa phải quá bận tâm tới hơn 300 nhân viên tại Nhà Trắng (gồm quản gia, đầu bếp, hầu phòng, người giữ sân golf...) bởi họ không bị thay thế khi nơi này đổi chủ. Tuy nhiên, ngay khi chiến dịch tranh cử bắt đầu, một số nhân viên Nhà Trắng đã lo lắng về số phận công việc của họ nếu ông Trump đắc cử. Huệ Bình
Bình luận (0)