Diễn biến này làm sống lại nỗi lo Trung Quốc ngày càng quay lưng với doanh nghiệp nước ngoài bất chấp Chủ tịch Tập Cận Bình lên tiếng bảo vệ toàn cầu hóa và hứa hẹn tạo điều kiện để công ty tiếp cận thị trường Trung Quốc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi đầu tháng 1 qua.
Phát biểu trên xem ra chưa đủ sức ngăn danh sách công ty nước ngoài tháo chạy khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây dài thêm. Vào tháng 11 năm ngoái, hãng điện tử Sony (Nhật Bản) bán toàn bộ cổ phần trong Công ty Sony Electronics Huanan, trụ sở ở TP Quảng Châu. Nhà bán lẻ Marks & Spencer (Anh) thông báo đóng cửa mọi cửa hàng ở Trung Quốc giữa lúc thua lỗ kéo dài. Trước đó, hồi năm 2015, hãng Panasonic (Nhật) chấm dứt sản xuất tivi tại thị trường đông dân nhất thế giới sau 36 năm hoạt động. Bổ sung vào danh sách là những tên tuổi như Metro, Home Depot, Best Buy, Revlon, L’Oreal, Microsoft…
Điều này cho thấy bức tranh môi trường kinh doanh ở Trung Quốc giờ đây có thêm không ít gam màu xám, từ thuế cao, chi phí lao động ngày một đắt đỏ và sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ địa phương. Theo giới phân tích, các công ty nước ngoài không còn được Trung Quốc trải thảm đỏ chào đón nồng nhiệt như trước. Khi đó, họ được áp thuế suất thấp hơn, thuê đất rẻ hơn, dễ tiếp cận chính quyền địa phương... Đổi lại, họ mang đến những thứ Bắc Kinh đang “khao khát”, như kỹ năng quản lý, kiến thức, công nghệ…
“Trung Quốc không còn quá dựa dẫm công ty nước ngoài để có được công nghệ tiên tiến và tiền vốn. Vì thế, dĩ nhiên là chính phủ giảm dần các chính sách ưu đãi” - GS Chong Tai-Leung, Trường ĐH Hồng Kông (Trung Quốc), giải thích với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng. Gần đây, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đổi giọng khi cáo buộc công ty nước ngoài chỉ muốn nhanh chóng “làm giàu” và quá phụ thuộc vào ưu đãi của chính phủ.
Trong khi đó, theo chuyên gia Keith Pogson thuộc Công ty Tư vấn và Kiểm toán Ernst & Young, một yếu tố quan trọng khác khiến nhiều công ty nước ngoài “bỏ của chạy lấy người” là sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ bản địa. “Chúng ta đang chứng kiến nhiều công ty Trung Quốc làm mưa làm gió tại thị trường các quốc gia khác và điều này dĩ nhiên gây thêm áp lực lên doanh nghiệp nước ngoài” - ông Pogson đánh giá. Chuyên gia này cũng đồng tình rằng xu hướng loại bỏ dần các chính sách ưu đãi đối với công ty nước ngoài có thể tiếp diễn bởi Bắc Kinh giờ đây muốn dựa nhiều hơn vào doanh nghiệp nội địa đang trỗi dậy.
Một nguyên nhân nữa được nói đến nhiều là những luật lệ không rõ ràng và thiếu nhất quán về thuế. Một cuộc khảo sát do Công ty Tư vấn Bain & Company (Mỹ) và Hội đồng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc (AmCham - China) tiến hành năm ngoái cho thấy đây là 2 yếu tố hàng đầu cản trở khả năng đầu tư và phát triển của công ty nước ngoài ở Trung Quốc, bên cạnh chi phí lao động tăng và tình trạng thiếu lao động chất lượng. Không có gì khó hiểu khi 1/4 trong số 532 doanh nghiệp thành viên AmCham - China tham gia cuộc khảo sát cho hay họ đã chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc hoặc có kế hoạch làm thế với lý do chi phí gia tăng và chủ nghĩa bảo hộ.
“Các công ty nước ngoài đang ngày càng bi quan về môi trường luật lệ ở Trung Quốc” - ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia tại Công ty Tư vấn kinh tế Capital Economics (Anh), cảnh báo.
Bình luận (0)