Không quân Thái Bình Dương của Mỹ hôm 18-10 tuyên bố 2 chiếc B-52 nói trên cất cánh từ căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam để tham gia nhiệm vụ huấn luyện thường lệ ở vùng lân cận biển Đông 2 ngày trước đó.
Tuyên bố không nói rõ máy bay đi qua không phận đảo nào ở biển Đông nhưng khẳng định đây là hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế và chứng tỏ cam kết của Mỹ về việc bảo đảm một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trong khi đó, ông Randall Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhận định hành vi của Bắc Kinh ở biển Đông ngày một khiêu khích và Washington đang tìm cách phản ứng phù hợp.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa tại cuộc gặp ở Singapore hôm 18-10 Ảnh: REUTERS
Diễn biến trên xảy ra trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến Singapore dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Trong ngày 18-10, bên lề hội nghị, ông Mattis và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa rốt cuộc cũng gặp nhau sau khi cuộc gặp dự kiến giữa 2 ông tại Bắc Kinh hồi tháng rồi bị hủy do căng thẳng về nhiều vấn đề giữa 2 nước, trong đó có biển Đông. Giới chức Mỹ cho biết cuộc gặp kéo dài 90 phút, lâu hơn 30 phút so với dự kiến nhưng hai bên không đạt được thỏa thuận mới nào. Theo ông Schriver, hai bộ trưởng đã thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó tập trung vào tình hình biển Đông.
Ông Schriver cho biết Trung Quốc đã đề nghị tiến hành cuộc gặp ở Singapore nói trên, qua đó báo hiệu Bắc Kinh muốn quan hệ quân sự song phương bình thường trở lại sau một loạt tranh cãi thời gian qua, nổi bật là vụ tàu chiến của 2 nước suýt va chạm ở biển Đông vào cuối tháng rồi. Theo đài CNN, giới chức Mỹ khẳng định vẫn tiếp tục các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải bất chấp những gì xảy ra liên quan đến tàu khu trục USS Decatur.
Tình hình biển Đông cũng là một trong những nội dung chính trong chương trình nghị sự khi bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN, Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand, Nga, Hàn Quốc họp bàn. Theo ông Schriver, Bộ trưởng Mattis sẽ khích lệ các nước trong khu vực tăng cường hiện diện tại những nơi Bắc Kinh đang tuyên bố chủ quyền phi lý ở biển Đông. "Thông điệp của chúng tôi là không quốc gia đơn lẻ nào có thể thay đổi luật pháp và quy tắc quốc tế" - ông Shriver nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Patrick Murphy, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ, cho biết Washington có ý sử dụng những cuộc họp khác nhau với ASEAN và các đối tác để nêu bật tầm quan trọng của một giải pháp bền vững, dựa trên luật lệ dành cho vấn đề biển Đông.
Bình luận (0)