Theo báo Star Tribune, xuyên suốt bài phát biểu của mình, Tổng thống Joe Biden sẽ trình bày các ưu tiên lập pháp và chia sẻ những thành tựu mà chính quyền của ông đã đạt được tính đến thời điểm hiện tại, bao gồm việc ký ban hành gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỉ USD và đảo ngược nhiều chính sách của chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump.
Ông chủ Nhà Trắng nhiều khả năng cũng sẽ cung cấp thông tin cập nhật về cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 585.000 người tại Mỹ. Tính đến ngày 26-4, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), hơn 230 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã được triển khai và gần 96 triệu người ở Mỹ, tương đương 29% dân số nước này, đã được tiêm phòng đầy đủ.
Tổng thống Biden cũng sẽ phát biểu về tác động của một đại dịch đã khiến hàng triệu người mất việc làm và hàng ngàn doanh nghiệp đóng cửa tại Mỹ. Nhà lãnh đạo 78 tuổi nhiều khả năng sẽ sử dụng sự kiện này để thúc đẩy đề xuất trị giá 2.300 tỉ USD của ông nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, giải quyết tình trạng bất bình đẳng tồn tại trong những hệ thống từ lâu đã gây bất lợi cho cộng đồng da màu và các vùng thu nhập thấp.
Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức hôm 20-1-2021 tại thủ đô Washington - Mỹ Ảnh: REUTERS
Dịp này, Nhà Trắng dự kiến công bố Kế hoạch Gia đình Mỹ (AFP) trị giá 1.800 tỉ USD của Tổng thống Biden nhằm rót đầu tư vào các chương trình như nghỉ thai sản có lương. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki xác nhận Tổng thống Biden sẽ nói về kế hoạch đã được mong chờ từ lâu này.
Vậy liệu tất cả nhà lập pháp tham dự có ngồi im để lắng nghe Tổng thống Biden phát biểu, dù chỉ 1 đêm hay không? Những sự kiện lịch sử gần đây không bảo đảm điều này. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Joe Wilson từng cáo buộc Tổng thống Barack Obama "nói dối" khi ông đang phát biểu trước Quốc hội vào năm 2009. Mười một năm sau, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi xé bản sao bài diễn văn Thông điệp Liên bang của Tổng thống Donald Trump ngay sau khi ông phát biểu.
Kể từ đó, theo AP, căng thẳng giữa phe Cộng hòa và Dân chủ ngày càng gia tăng. Niềm tin giữa lưỡng đảng và giữa bản thân các đảng viên cũng đã sụt giảm trước thềm sự kiện chính trị quan trọng nêu trên. Dù vậy, theo Hạ nghị sĩ Cộng hòa Tom Rooney, Tổng thống Joe Biden chính là người có thể khiến căng thẳng xuống thang ở Quốc hội, đặc biệt là nếu ông nỗ lực thỏa hiệp.
Bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Joe Biden trước lưỡng viện, được gọi là "bài phát biểu trong một phiên họp chung của Quốc hội" thay vì "Thông điệp liên bang" như cách gọi thông lệ trong năm đầu tiên của tổng thống Mỹ, sẽ rất khác so với mọi năm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sự kiện năm nay sẽ được tổ chức với quy mô hạn chế trong khi an ninh được đặc biệt thắt chặt để bảo đảm bạo loạn không xảy ra như ở Điện Capitol hồi đầu tháng 1-2021.
Bình luận (0)