Hãng tin Aamaq News dẫn lời các nhân chứng cho biết rốc-két rơi xuống khu phố Khair Khana, nơi đặt một trong những nhà máy điện ở phía Tây Bắc thủ đô Kabul. Hiện chưa có thông tin về thương vong, thiệt hại hoặc ai đứng sau chịu trách nhiệm.
Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh Taliban phải đối mặt với sức ép nặng nề về việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng nhân đạo tiềm tàng ở Afghanistan.
Thủ đô Kabul hứng rốc-két, Taliban đứng trước "phép thử" khó
Các chuyên gia nói rằng Taliban cần giữ trật tự nội bộ, đồng thời điều hành một đất nước đang trên bờ vực bị hủy hoại. Đã xuất hiện thông tin "Phó Thủ tướng" Abdul Ghani Baradar do Taliban chỉ định đụng độ với người đứng đầu Mạng lưới Haqqani, Sirajuddin Haqqani, tại cung điện tổng thống gần đây dẫn tới "cái chết của ông Baradar". Ông Baradar sau đó "chia sẻ đoạn băng ghi âm chứng minh mình vẫn còn sống".
Thủ đô Kabul. Ảnh: AP
Trong nhiều thập kỷ, Taliban luôn tồn tại sự chia rẽ, đối mặt với các đối thủ, sự trung thành và xâu xé phe phái. Vai trò chính được chia đều cho "phe Kandahar" (cũng là tên thành phố nơi Taliban ra đời) và Mạng lưới Haqqani, nhóm có quan hệ với phong trào Al-Qaeda và cơ quan tình báo Pakistan.
Vào những năm 1990, phe Kandahar chiếm ưu thế nhưng Mạng lưới Haqqani đã đạt được nhiều thành công quân sự thời gian qua. Một chuyên gia tại Trường ĐH La Trobe (Úc) cho rằng mọi người không nên đánh giá thấp sức mạnh của Mạng lưới Haqqani. Không chỉ là một phần quan trọng của Taliban, mạng lưới này còn duy trì liên hệ với Al-Qaeda và Pakistan cũng như sở hữu sức mạnh riêng ở Afghanistan.
Taliban đang phải đối mặt với sức ép nặng nề về việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng nhân đạo tiềm tàng ở Afghanistan. Ảnh: Reuters
Người đứng đầu Mạng lưới Haqqani, Sirajuddin Haqqani, bị Mỹ treo thưởng 10 triệu USD cho thông tin bắt giữ hắn và bị Washington liệt vào danh sách khủng bố. Sirajuddin mới được Taliban chỉ định là "Bộ trưởng Bộ Nội vụ" và được biết đến là người đứng đầu gia tộc Haqqani.
Tuy nhiên, việc bổ nhiệm Sirajuddin vào "bộ máy chính phủ mới của Afghanistan" làm cho cộng đồng quốc tế khó công nhận tính hợp pháp của Taliban cũng như mở phong toả dự trữ ngân hàng trung ương của Afghanistan ở Mỹ.
Do tất cả thành viên trong "nội các" đều là người của Taliban nên phong trào này sẽ thu hút những người ủng hộ họ song phải đối mặt với rủi ro bị người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế xa lánh.
Bình luận (0)