Tôi được điều đến Fukushima hỗ trợ bảo đảm an ninh nhưng tình hình ở đây khá trật tự. Dân địa phương tự động thành lập các đội tự quản, tương trợ lẫn nhau rất tốt. Giả sử có ai muốn ăn cắp, ăn trộm cũng khó. Vì vậy, mấy ngày nay, tôi chủ yếu hỗ trợ mai táng người bị nạn và phân phát lương thực.
Người chết nhiều quá! Ngày đầu cảnh sát còn mặc niệm và bật khóc trước cảnh tượng quá đỗi thương tâm nhưng bây giờ thì không còn thời gian để khóc nữa. Hôm 17-3, còn không có chỗ để hỏa táng những nạn nhân xấu số. Thật khủng khiếp!
Lò phản ứng số 2 của nhà máy Fukushima số 1 hư hại trong động đất. Ảnh: AP
Ký giả Vương Hy Văn của Thời Báo Hoàn Cầu - Trung Quốc hôm 17-3 theo tôi một ngày để lấy tin. Khi đi ngang qua ngôi nhà bị sập, vài chục triệu yen tiền giấy trôi ướt, nằm tứ tán cả bãi đất nhưng chẳng ai thèm nhặt.
Vương Hy Văn bỗng thốt lên: "50 năm nữa, kinh tế Trung Quốc có thể đứng đầu thế giới nhưng chắc gì trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như người Nhật hiện tại".
Mấy ngày nay, tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người trong hoạn nạn. Nhưng có một chuyện khiến tôi - một tiến sĩ công học ở Đại học Đông Bắc (Tohoku Dai), tóc đã điểm bạc - phải hổ thẹn.
Tối 16-3, tôi được phái tới trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho người bị nạn. Trong hàng người rồng rắn xếp hàng, một cậu bé chừng 9 tuổi, mong manh chiếc áo thun và quần đùi trong cái rét căm căm. Cậu bé xếp hàng cuối cùng nên tôi sợ đến phiên nó thì chắc chẳng còn thức ăn nên đi lại hỏi thăm.
Cậu bé kể lúc động đất và sóng thần ập đến, cậu đang học thể dục. Cha làm việc gần đấy. Từ ban công lầu 3 của trường, cậu bé nhìn thấy người cha mắc kẹt trong chiếc xe bị cuốn phăng theo dòng nước. Nhà nằm sát bờ biển nên mẹ và em chắc cũng không kịp thoát thân. Cậu bé quay người, lau vội dòng nước mắt, giọng run run khi nhắc về người thân.
Nhìn thấy cậu bé lạnh run lập cập, tôi cởi áo khoác cảnh sát trùm lên người cậu rồi đưa khẩu phần ăn tối cho cậu bé. Cậu bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn.
Tôi nghĩ chắc nó sẽ ngấu nghiến ăn ngay. Nhưng cậu bé ôm bao lương khô, để vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi quay lại xếp hàng. Trước ánh mắt sững sờ của tôi, cậu bé trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ!".
Một cậu bé tìm người thân ở các khu lều tạm. Ảnh: AP
Tôi nghe xong vội quay mặt đi để giấu nước mắt. Không ngờ một cậu bé 9 tuổi, mới học lớp 3 đã có thể dạy một tiến sĩ như tôi bài học làm người trong lúc khốn khó nhất.
Nhật Bản - một dân tộc với những cậu bé 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu như thế.
Tình hình quanh nhà máy điện hạt nhân vẫn còn trong tầm kiểm soát. Chúng tôi đã được phát sẵn khẩu trang và đồng phục ni lông. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan sáng 18-3, họp báo dự tính đến tình huống xấu nhất là bỏ cả vùng miền Đông.
Tôi lấy vợ người Nhật, con gái cũng mới tốt nghiệp trường y cũng đang cứu trợ thiện nguyện ngay tại Fukushima này. Nhưng cả vợ và con gái tôi đều kiên quyết bám trụ ở Fukushima. Còn tôi, đã yêu Nhật Bản như quê hương thứ hai thì đã đến lúc trả nghĩa cho họ rồi. Mình già rồi có hít chút phóng xạ vô nữa cũng chẳng sao cả!
Hy vọng không có gì xảy ra, khoảng 3 tuần nữa có thể trở về Saitama. Hy vọng được gặp lại bà con người Việt nếu còn ở Nhật.
Bình luận (0)