xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thử thách tình yêu bằng một bài kiểm tra ngoại ngữ

Đỗ Quyên (Theo AP)

(NLĐO)- Cô gái bị từ chối ngay tại ngưỡng cửa quê hương chồng vì bài kiểm tra ngôn ngữ khắt khe. Tình yêu của họ qua nhiều thử thách, mà đáng kể nhất là sự cô đơn xa cách, cuối cùng cũng đến được cái kết có hậu.

Michael Guhle gặp được một nửa thực sự của mình trên bãi biển của một làng chài nhỏ ở Việt Nam. Đó là cô gái có cái tên bình dị An Nguyen - như mái tóc dài đen nhánh tự nhiên của chị. Người phụ nữ nhỏ nhắn 27 tuổi thoăn thoát bán trái cây và trai nướng và cho du khách bên bờ biển này đã khiến người đàn ông 43 tuổi đến từ Đức này phải lòng từ cái nhìn đầu tiên. Lúc đầu anh cũng không rõ cái gì đã thôi thúc mình lúc nào cũng kiếm cớ tới thăm chị An trong suốt kỳ nghỉ bằng số tiền mà anh phải dành dụm trong những ngày làm y tá ở Berlin.

Married couples separated by German language test

Michael Guhle và An Nguyen cuối cùng cũng được ở bên nhau. Ảnh: AP

 

Hai người yêu nhau và quyết định làm đám cưới. Tưởng như hôn nhân sẽ sớm giúp họ hiện thực hóa được ý nguyện ở bên nhau trọn đời, tuy nhiên quyết định đó thực ra chỉ là khởi đầu của một con đường dài đầy chông gai mà họ chưa lường hết. An bị từ chối ngay tại ngưỡng cửa nước Đức vì không vượt qua được cuộc kiểm tra ngôn ngữ vốn là yêu cầu bắt buộc đối với những người nhập cư mà ngay cả lý do kết hôn với người sở tại cũng không phải ngoại lệ.

“Tôi đã tưởng rằng kết hôn một người mà mình yêu thương nhất và sống bên nhau là quyền chính đáng nhất. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy ở Đức” – anh Guhle chia sẻ.

Đức thông qua yêu cầu ngôn ngữ trong quy định nhập cư vào năm 2007. Phần lớn các nước Châu Âu, trong đó có Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Thụy Điển, đều đón nhận những người nhập cư với ly do kết hôn với công dân sở tại mà không yêu cầu kiểm tra ngôn ngữ. Áo, Anh và Hà Lan cũng áp dụng nguyên tắc ngôn ngữ nhưng không ở đâu cứng rắn như ở Đức. Ủy ban Châu Âu một mực cũng chỉ trích điều luật đó và cho rằng nó có thể vi phạm các hiệp định Châu Âu. Thậm chí Tòa Công lý Châu Âu dự kiến sẽ có phiên điều trần về vấn đề này trong tháng 4. Tuy nhiên, trong khi các cơ quan thẩm quyền xúc tiến xử lý bất cập đó, những cặp đôi như Guhle và An vẫn đang vật lộn để vượt qua những thử thách thực sự cần rất nhiều sự kiên nhẫn cũng như tiền bạc.

Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Đức cho biết: “Nếu một người nhập cư giao tiếp tiếp được với người địa phương, họ có thể hòa nhập tốt hơn và có khả năng thành công hơn sau khi nhận visa”.

Chính phủ Đức cũng chưa từng công bố con số thống kê cho thấy điều luật khắt khe này đã ngăn chặn kịp thời bao nhiêu cuộc hôn nhân không vì tình yêu, song phát ngôn viên giấu tên nói trên (do không có chức năng phát ngôn trước báo chí về vấn đề này) nhấn mạnh rằng các cơ quan ngoại giao của Đức khẳng định các bài kiểm tra ngôn ngữ là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ nạn nhân của các cuộc hôn nhân cưỡng ép.

Hiện chưa rõ bao nhiêu tình yêu tan vỡ vì điều luật này. Theo số liệu thống kê chính thức mới nhất, khoảng 40.000 người tham gia các cuộc kiểm tra ngôn ngữ tại viện Goethe trên khắp thế giới vào năm 2012, trong số đó khoảng 14.000 thất bại và không xin được visa.

Chính quyền Đức một mực bảo vệ điều luật đó và cho rằng đây là cách hữu hiệu để ngăn chặn các cuộc hôn nhân ép uổng, đồng thời giúp người nhập cư hòa nhập dễ dàng hơn. Tất nhiên không thể chối cãi chân lý rằng những người nhập cư vào nước Đức tốt nhất là nên học tiếng của quốc gia này, song nhiều ý kiến khẳng định việc đó có thể thực hiện nhanh hơn, bớt tốn kém hơn và dễ dàng hơn tại nước Đức. Nghĩa là những người như chị An nếu muốn ở bên cạnh chồng tại nước Đức thì cần phải học tiếng Đức, nhưng việc đó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi chị không bị ngăn cản tới quê hương của chồng mình.

Ông Hiltrud Stoecker-Zafari – Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Đức cho biết “Đối với người có đủ khả năng tài chính, sẽ không có vấn đề gì với việc tham gia các lớp học ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu ngôn ngữ. Song không phải ai cũng có điều kiện như vậy… Do đó, sự đòi hỏi nghiêm ngặt của Đức vô hình chung đưa ra thông điệp rằng những cặp đôi không đủ khả năng tài chính không có chỗ ở đất nước này!”.

Điều này có thể thấy rõ hơn ở những trường hợp ngoại lệ đối với người người nước ngoài muốn tới nước Đức: đó là những người có bằng đại học và những người đủ tiềm lực tài chính lập công ty. Ngoài ra, những công dân Châu Âu không phải người Đức cũng có thể dễ dàng đưa bạn đời nước ngoài tới Đức. Chẳng hạn một người Pháp sống tại Berlin có thể đưa vợ/chồng tới Đức dễ dàng mà không gặp phải trở ngại nào. Đó chính là lý do mà nhiều lúc quá mệt mỏi trên con đường nhiều khó khăn để đưa vợ tới Berlin, anh Guhle chỉ nghĩ giá như mình không phải người Đức!

"Chúng tôi chỉ muốn sống bên nhau. Tại sao cứ phải đòi hỏi vợ tôi phải học tiếng Đức khi mà điều kiện của cô ấy không cho phép” – anh Guhle khắc khoải.

Khi Guhle lần đầu tiên tới trụ sở chính quyền thành phố Berlin vào năm 2006, nhân viên tại đây lập tức từ chối thẳng thừng mà không giải thích, khi biết anh xin đăng kí kết hôn với một phụ nữ Việt Nam. Cặp đôi vẫn quyết định tổ chức hôn lễ vào mùa hè năm 2007 và lên kế hoạch tới Đức mà không hay biết cuộc thi ngôn ngữ đang trực chờ.

Thật may mắn dù khó khăn chồng chất nhưng cả hai đã không bỏ cuộc. Guhle tìm thêm công việc rửa ô tô vào buổi tối để có thể trang trải tiền học thêm tiếng Đức cho vợ ở Nha Trang – thành phố gần nhất mà hai vợ chồng có thể tìm thấy một trường tư nhân của Đức.

“Theo học các lớp tiếng Đức là điều cực kỳ khó khăn đối với những người thiếu khả năng tài chính và đến từ những khu vực xa xôi hẻo lánh. Rất nhiều cặp đôi đã tan vỡ chỉ vì những gánh nặng kiểu đó” – một nhà lập pháp Đảng cánh tả của Đức chi sẻ.

9 tháng học tiếng Đức cực kỳ tốn kém và lại thêm một lần tốn tiền để vào thành phố Hồ Chí Minh thi. Chị An vẫn không vượt qua được bài kiểm tra, đồng nghĩa với việc không có visa. Chị vẫn tiếp tục nỗ lực học thêm. Song khó khăn lại ập tới, không được sang Đức định cư cùng chồng, chị An tiếp tục bị từ chối khi xin visa du lịch sang Berlin thăm anh.

“Cuộc sống của tôi chỉ còn gói gọn trong công việc và thăm vợ vào kỳ nghỉ. Sáng và đêm nào tôi cũng gọi điện cho cô ấy. Tất nhiên tôi biết cô ấy cũng chịu nhiều thiệt thòi. Quả là không dễ dàng gì khi cô ấy phải sống trong những lời dị nghị của những người hay đưa chuyện ở quê. Họ nói rằng tại sao một đại gia bên Đức lại không thể đưa cô ấy đi!” - Guhle bộc bạch.

Sau khi đưa vụ việc ra tòa ở Đức và chứng minh được rằng An đã nỗ lực để học tiếng Đức trong vòng 1 năm qua, cuối cùng cũng có một cái kết có hậu – chị đã được phép nhập cư. Chị tới Berlin vào tháng 9-2013.

Ngồi bên nhau trong tổ ấm của mình, cả hai nắm tay nhau thật chặt và ríu rít nói chuyện bằng cả ba thứ tiếng Anh, Đức và Việt Nam. Người ngoài có thể thấy cuộc trao đổi của họ ít nhiều khó hiểu nhưng không khó để nhận ra họ gọi nhau bằng “honey” trong suốt cuộc nói chuyện.

“Tôi thực sự nhẹ nhõm khi cuối cùng cũng được ở bên cạnh chồng” – An chia sẻ, đồng thời cho biết thêm rằng chị sẽ tiếp tục học tiếng Đức và tìm một công việc trong các nhà hàng Việt Nam ở Đức.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo