Năm 2020 đã bắt đầu thật bất thường. Chúng tôi vừa quay lại làm việc sau kỳ nghỉ cuối năm thì đọc tin nước Úc cháy rừng, trong khi ở đây lại bắt đầu có bão. Khi chỉ còn đúng 1 tuần đến Tết nguyên đán ở Việt Nam, những tin tức đầu tiên về corona virus chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) tại TP Vũ Hán - Trung Quốc bắt đầu dồn dập trên báo mạng. Dù đang ở bên kia nửa vòng trái đất, không hiểu sao tôi cũng chợt cảm thấy bất an và than thở với người bạn "hết thiên tai rồi dịch bệnh, sao mà họa vô đơn chí vầy nè". Lúc đó, tôi hoàn toàn không thể ngờ cuộc sống cả thế giới đã đảo lộn tới mức nào chỉ trong chưa đầy 2 tháng sau.
Đầu tháng 2, qua bạn bè và báo mạng, tôi được biết ở Việt Nam học sinh được cho nghỉ thêm sau Tết để phòng dịch bệnh. Cùng lúc, báo chí ở đây cũng bắt đầu quan ngại nguy cơ lây lan với sự quay trở lại làm việc sau Tết của nhân viên Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng của dịch ở chi nhánh các công ty tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, ca dương tính đầu tiên tại Thụy Sĩ lại là một người đi du lịch từ Ý trở về, tại tiểu bang Ticino - vùng giáp ranh giữa 2 nước. Ý lúc này đã gần 300 ca dương tính, 7 người chết. Đó là ngày 25-2, đúng 1 tháng sau Tết ta Việt Nam.
Khi đó cả thế giới vẫn chưa biết rõ mặt mũi con SARS-CoV-2 thế nào, cơ chế lây lan, gây bệnh ra sao. Nhiều người đoán đó là một dạng cúm mùa, như SARS… Tôi chỉ biết chắc một điều: Đây là một bệnh lây nhiễm qua hô hấp và nó sẽ lây nhiễm rất nhanh trên đất nước mà trung bình mỗi ngày có 1,25 triệu lượt người dùng xe lửa để đi lại, mỗi người di chuyển trung bình 37 km. Chưa kể lượng lao động hằng ngày đến từ nước láng giềng rất gần và đang có dịch như Pháp, Ý...
Biên giới Thụy Sĩ - Đức tại vùng Kreuzlingen tạm đóng để ngăn dịch lây lan Ảnh: REUTERS
Con gái lớn của tôi hằng ngày phải đi xe lửa đến trường cách nhà 20 km. Tôi lục tìm cái khẩu trang vải cũ duy nhất trong nhà, mang theo từ hồi về Việt Nam cách đây vài năm đưa cho con. Nó nhất quyết không đeo, bảo sợ bị kỳ thị (!). Tôi đành năn nỉ nó dùng cái khăn quàng cổ kéo lên cao che mũi, miệng khi ra đường. Trong suốt 1 tháng, từ đầu tháng 2 tới đầu tháng 3, chính phủ và cơ quan y tế chỉ ban hành vài khuyến cáo như thường xuyên rửa tay, tránh bắt tay xã giao, sau đó giữ khoảng cách tiếp xúc không dưới 1 m, rồi 2 m.
Việc đeo khẩu trang chỉ được khuyên cho người "bị bệnh", thậm chí truyền thông còn bảo đeo khẩu trang tăng nguy cơ mắc bệnh (khi dùng tay trần chỉnh khẩu trang...). Sự thật, theo tôi suy đoán, là do chính phủ sợ dân hoảng loạn vì tình trạng hoàn toàn thiếu khẩu trang, ngay cả cho y - bác sĩ.
Ngày 5-3, khoảng 1 tuần sau ca dương tính đầu tiên, Thụy Sĩ đã có hơn 100 ca mắc và 1 ca tử vong đầu tiên (người bệnh hơn 70 tuổi có bệnh lý nền thuộc nhóm có nguy cơ cao).
Bản thân tôi bắt đầu tự cách ly đám đông, tránh xuống nhà ăn ở công ty tại Bern vào giờ trưa và tìm cách ăn trưa một mình dù ở phương Tây ăn trưa theo nhóm là một dạng giao tiếp xã hội không thể thiếu. Con gái lớn cũng bắt đầu lo lắng, nó thức dậy từ mờ sáng để bắt chuyến xe lửa sớm hơn 1 giờ cho vắng. Lúc này, tôi vẫn đang bận rộn tranh luận việc nên đeo khẩu trang hay không với vài người Việt quen bên này và cả với ông chồng dân bản xứ.
Thứ sáu ngày 13-3, chỉ hơn 2 tuần sau ca dương tính đầu tiên, Thụy Sĩ có hơn 1.000 ca nhiễm (gấp 10 lần sau 1 tuần). Chính phủ họp báo tuyên bố đóng cửa các trường học trên toàn quốc cho tới ngày 4-4, tuy nhiên, một vài tiểu bang quyết định cho học sinh nghỉ đến hết tháng 4.
Chính phủ đồng thời quyết định đóng cửa biên giới với Ý và thiết lập lại rào chắn tại các trạm hải quan. Chỉ có người có thẻ cư trú và làm việc tại Thụy Sĩ mới được phép qua biên giới. Lúc này Ý đã có hơn 15.000 ca nhiễm, hơn 1.000 người tử vong, Pháp và Đức cũng đang xấp xỉ 3.000 ca dương tính.
Một ngày sau, tôi rủ chồng đi siêu thị mua vài thứ. Thấy tôi thủ theo cái khẩu trang vải, ông chồng nhăn nhó. Dù cố tình chọn đi giữa trưa hy vọng ít người nhưng đến nơi thì siêu thị thật sự khá đông. Đi vội vào lấy vài thứ rồi đi ra, liếc mắt sơ qua các kệ hàng, đây là lần đầu tiên tôi thấy các kệ rau quả tươi bị trống. Nhân viên lúc này đều đeo khẩu trang và găng tay, khẩu trang không đồng bộ, có lẽ họ phải tự tìm cách xoay xở.
Ngày 17-3, vài ngày sau khi viện khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà, qua cuộc họp nhóm từ xa, tôi biết được một cô trong nhóm bị bệnh, có đủ các triệu chứng của Covid-19 nhưng không được test (sợ không đủ trang thiết bị, chính phủ quyết định chỉ test cho người trên 65 tuổi và những người bệnh nặng). Có nghĩa là cô ấy đang nằm nhà và tự đấu tranh với con virus một mình (!). Lúc này, tôi bắt đầu cảm thấy sợ.
Chiều 20-3, người dân nín thở theo dõi buổi họp báo của chính phủ xem có quyết định phong tỏa hay không. Kết quả là không. Sự căng thẳng suốt 2 tháng nay của tôi chợt chùng xuống như sợi dây cung bị đứt, có lẽ tâm lý trong tôi cũng đã bão hòa. Việc duy nhất có ý nghĩa trong lúc này là ở trong nhà và ngừng lo lắng.
Trong tâm trạng bất định, lan man, bất chợt tôi nghĩ về thế giới phẳng.
"Thế giới phẳng có nghĩa là mọi thứ đều công khai, minh bạch, tương tác hỗ trợ để cùng tồn tại và phát triển trong thế giới với tư cách là một hệ thống" (trích tác phẩm "Thế giới phẳng" - "The world is flat: A brief history of the twenty-first century" xuất bản 2005 của Thomas L. Friedman).
Lúc này đây, khi đối mặt với Covid-19, thế giới cũng phẳng và bình đẳng hơn bao giờ hết, dù bạn giàu hay nghèo, bạn trẻ hay già, đều có nguy cơ mắc bệnh. Đối với Covid-19, bạn chỉ có thể đứng xếp hàng chờ được tiếp nhận y tế như bao người khác và cầu mong ngôi sao may mắn chiếu tới bạn. Thế giới phẳng và bình đẳng đến nhẫn tâm này là mặt trái mà loài người đã và đang trả giá để nhận ra.
Bình luận (0)