Đã hơn 2 tuần kể từ khi Thủ tướng Ý Giuseppe Conte phát lệnh phong tỏa toàn quốc (từ ngày 9-3), một điều chưa từng có tiền lệ tại quốc gia vốn được xem là rất yên bình, đẹp đẽ và tự do này.
Bữa tối trôi qua một cách buồn bã. Lần đầu tiên kể từ khi bên nhau, tôi thấy chồng tôi, người đàn ông mạnh mẽ và luôn lạc quan, với đôi mắt sâu thẳm, rơi lệ. Con số hơn 7.500 người tử vong và suýt soát 74.500 ca nhiễm Covid-19 (vào thời điểm tôi viết những dòng này) thật quá khủng khiếp. Tình hình có vẻ vẫn chưa dừng lại.
Bản tin thời sự của kênh truyền hình nơi tôi sống công bố con số nạn nhân, những ca tử vong mới nhất rất gần nhà tôi, chỉ trong vòng vài trăm mét đến vài km. Điều đó khiến tôi sợ hãi, liệu chúng tôi sẽ là những người tiếp theo. Tâm trạng của chúng tôi trong 2 tuần ở nhà đã chuyển từ bình thản, lạc quan sang hoang mang và bất lực.
TP Ancona đã vào xuân nhưng mấy hôm nay lại trở lạnh
Giờ đây tôi và chồng trở thành 2 người hiếm hoi có thể ra ngoài mua sắm thực phẩm (và cũng chỉ như vậy) rồi "tiếp tế" cho những người còn lại trong đại gia đình sống cùng thành phố, bao gồm bố mẹ chồng tôi đều đã hơn 80 tuổi, vợ chồng em trai chồng (là bác sĩ và y tá nhưng đang cách ly tại nhà), người cậu chồng cũng đã 75 tuổi sống một mình.
Em chồng tôi đã miệt mài làm việc trong những ngày qua, nhiệm vụ là đi đón người nhiễm Covid-19 và chuyển họ đến bệnh viện tốt nơi có trang bị máy thở. Đây là những ca bệnh nặng, còn lại rất nhiều người phải cách ly tại nhà. Cả vợ chồng em chồng tôi giờ cũng có triệu chứng nhiễm, ho nặng, mệt và sốt, được nghỉ ốm và cách ly tại nhà để tránh lây lan trong bệnh viện. Họ mong muốn được xét nghiệm nhưng câu trả lời là phải chờ đến cuối tháng 3, hiện giờ chỉ có bác sĩ theo dõi bằng cách gọi điện nghe tình hình mỗi ngày 2 lần.
Chúng tôi mua thực phẩm, đến đặt trước cổng nhà, gọi điện thông báo rồi rời đi rất nhanh chóng. Hóa đơn của siêu thị phải giữ thật kỹ, nếu cảnh sát dừng xe trên đường thì phải trình được hóa đơn và tuyên thệ chịu trách nhiệm nói đúng sự thật về lý do ra khỏi nhà.
Dù dịch bệnh bao vây nhưng người Ý vẫn đi siêu thị rất “thanh lịch”: Chỉ mua vừa đủ, không vơ vét!
Trong ngày đầu tiên của lệnh phong tỏa, nếu ra ngoài không có lý do chính đáng sẽ bị phạt 206 euro; đi siêu thị, nhà thuốc và bệnh viện được xem là chính đáng. Sau đó, mức phạt tăng lên 400 euro nhưng vẫn còn nhiều người vi phạm.
Hiện nay, mức phạt mới nhất mà Thủ tướng Conte ban hành đã lên đến 3.000 euro nếu ra ngoài không có lý do và lập tức bị tạm giam 3 tháng nếu không trình được giấy phép ghi rõ lý do di chuyển cho cảnh sát. Báo chí Ý còn đưa tin chính quyền sẽ dùng máy bay không người lái để tuần tra chống dịch do lực lượng cảnh sát bị quá tải.
Không chỉ là tâm dịch lớn nhất thế giới hiện tại, thời tiết ở Ý còn bất ngờ thay đổi, trở lạnh và tuyết rơi nặng ở nhiều nơi đã tàn phá nhiều loại cây đang chuẩn bị ra trái, báo hiệu một năm nông sản thất thu. Dẫu đang khó khăn nhiều bề, bên cạnh vài mặt trái như đề cao sự tự do quá mức, chủ quan với dịch của người Ý, những người nước ngoài sống tại Ý là những người hiểu rõ phần nào về một số tính cách đẹp của người dân địa phương - mà tôi gọi là "thanh lịch rất Ý".
Suốt từ đầu mùa dịch, kể cả vào thời điểm lệnh phong tỏa toàn quốc bắt đầu, không hề bắt gặp cảnh người dân đổ xô đi tích trữ thực phẩm. Vào siêu thị, có hay không có lời nhắc của nhân viên thì mọi người đều tuân thủ mua sắm nhanh và vừa đủ cho vài ngày để không ảnh hưởng đến những người khác.
Trên mạng xã hội, họ không lan truyền các thông tin kiểu như "quạ đen báo tin buồn" mà cố gắng truyền tinh thần lạc quan và động viên các nhân viên y tế. Đến hiệu thuốc, mặc dù khẩu trang khan hiếm nhưng mọi người, bao gồm tôi, chỉ mua số lượng nhỏ để dành cho những người khác cũng có cơ hội mua được.
Trái tim tôi giờ chia hai nửa, một nửa cho đất nước có tình yêu của tôi, nửa còn lại dĩ nhiên cho quê hương Việt Nam nơi tôi sinh ra và lớn lên. Vừa mừng vừa lo khi cập nhật tin tức, mừng vì thấy Việt Nam đã chống dịch rất tốt, người dân rất đồng lòng với chính phủ trong việc phòng chống dịch, những chính sách chống dịch quyết liệt và hiệu quả.
Lo và cũng xúc động vô cùng về việc chính phủ vẫn đón nhận nhiều sinh viên và kiều bào trở về quê hương trong lúc dịch ở châu Âu và nước Mỹ đang bùng phát mạnh mẽ. Sự dũng cảm đó cũng cho thấy tinh thần đùm bọc và gắn kết dân tộc!
Những việc nhỏ mà không nhỏ
Những ngày gần đây, bất cứ cuộc nói chuyện nào dù là qua điện thoại hay trực tiếp trao đổi, luôn có sự hiện diện của một "nhân vật": virus corona.
Ở Việt Nam, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội thường đề cập sự chu toàn của nhà nước đối với sức khỏe của người dân, đề cao vai trò của các y - bác sĩ ngày đêm chiến đấu cũng như tinh thần đoàn kết của người dân nhằm chống lại dịch bệnh. Người dân Việt Nam ở nước ngoài cũng luôn nâng cao tinh thần để không hổ danh là một người con của đất nước.
Tại Đức, nơi tôi sống, trong một thời gian ngắn thôi, số lượng người nhiễm bệnh tăng không thể ngờ. Chính phủ Đức từ chủ quan ban đầu chuyển sang bối rối. Bao nhiêu biện pháp đề ra nhưng số lượng người nhiễm vẫn tăng ở mức báo động. Biện pháp cuối cùng là lệnh giới nghiêm. Nhà nước khuyến khích người dân không ra đường nếu không có những lý do chính đáng do chính phủ liệt kê, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền.
Kể từ khi dịch bệnh xảy ra, xuất hiện tình trạng khan hiếm khẩu trang đến nỗi chính phủ kêu gọi người dân không trữ để nhường cho nhân viên ngành y. Hiểu rõ vai trò quan trọng của các y - bác sĩ, nhiều người Việt tại Đức, bao gồm những người sống lâu năm, du học sinh..., cùng nhau kêu gọi sự ủng hộ bằng cả công sức và tiền bạc trong khả năng của mình.
Từ những người suốt ngày bận rộn với kế sinh nhai không biết gì diễn ra xung quanh, nhiều người giờ đây ngồi bên bàn máy may hay rổ kim chỉ làm ra những chiếc khẩu trang vải; một số khác kêu gọi bà con đóng góp tiền bạc mua nước rửa tay kháng khuẩn. Tất cả đều đem tặng cho các bệnh viện. Chúng tôi gọi đó là những việc nhỏ mà không nhỏ của cộng đồng người Việt trong mùa dịch này.
Thực ra ngày thường, người Việt ở Đức không phải lúc nào cũng cơm lành canh ngọt. Đây đó có không ít bài "bóc phốt" nhau vì lừa đảo, cướp bóc... Nhưng khi dịch bùng phát mới thấy được tấm chân tình của người Việt mình. Đáng tự hào lắm với tấm lòng những người Việt xa xứ!
HOÀNG KIM (từ TP Frankfurt, bang Hesen - Đức)
Bình luận (0)