Thông điệp đầu tiên của nhà lãnh đạo Ấn Độ có nội dung: “Xin chào Trung Quốc! Nhìn về phía trước để kết nối với những người bạn Trung Quốc thông qua Weibo”. Sau 5 giờ gia nhập mạng xã hội này, lượt “theo dõi” ông Modi cán mốc 20.000 người và không ngừng tăng lên.
Đa số thành viên Weibo chào đón vị nguyên thủ Ấn Độ, phổ biến là các lời chào “ni hao ma” và “Are you OK? (cùng có nghĩa “Ông khỏe chứ?”). Nhiều người còn tranh thủ gửi lời kêu gọi Ấn Độ hợp tác với Trung Quốc và mời ông Modi đến thăm quê hương mình.
Do có khoảng 18% dân số Trung Quốc là Phật tử nên nhà lãnh đạo Ấn Độ đăng tải thông điệp thứ hai có nội dung liên quan đến Phật giáo: “Tôi muốn tất cả mọi người hạnh phúc vào Lễ Phật đản. Phật giáo là lực lượng thống nhất các nước châu Á, là hình thức gắn kết mạnh mẽ khi thế giới bước vào kỷ nguyên châu Á”. Ông Modi không nhắc tới Đạt Lai Lạt Ma - lãnh tụ tinh thần lưu vong của Phật giáo Tây Tạng.
Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất của thành viên Weibo là cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biên giới 2 nước. New Delhi kiểm soát khu vực ở phía Nam Tây Tạng và gọi là bang Arunachal Pradesh trong khi Bắc Kinh tuyên bố vùng này là Zangnan, thuộc chủ quyền của mình. Và tất nhiên, đa số thành viên Weibo đều hưởng ứng thông điệp “Zangnan thuộc về Trung Quốc” khi phản hồi bình luận của ông Modi.
Trước nhà lãnh đạo Ấn Độ, Thủ tướng Anh David Cameron và người dẫn chương trình truyền hình Mỹ Ellen Degeneres đều gia nhập Weibo để kết nối với lượng người hâm mộ đông đảo ở Trung Quốc. Riêng trên Twitter, ông Modi có 12 triệu người “theo dõi”.
Ngày 14-5 tới, Thủ tướng Modi có chuyến thăm chính thức Trung Quốc trong 3 ngày. Gia nhập mạng xã hội Weibo có thể là cách ông “lấy lòng” Bắc Kinh trước chuyến thăm của mình.
Bình luận (0)