Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Ấn Độ có khoảng 594 triệu người - gần một nửa dân số - đi vệ sinh ngoài trời. Tỉ lệ này ở nông thôn là 69% trong khi ở thành thị là 18%. Báo The Straits Times cho biết tình trạng mất vệ sinh nêu trên được xem là nguyên nhân gây ra các dịch bệnh như tiêu chảy, nhiễm giun ở trẻ em…
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2014, ông Modi đã phát động chiến dịch “Swachh Bharat” (Làm sạch Ấn Độ). Ông liên tục thúc giục mỗi hộ gia đình có nhà vệ sinh riêng để chấm dứt tình trạng lây lan dịch bệnh. Một trong những chiến lược của ông là thu hút doanh nghiệp xây dựng và tân trang nhà vệ sinh, đặc biệt là ở các trường công, nơi 70% trẻ em đang theo học.
“Vấn đề vệ sinh ở trường học đóng vai trò quan trọng đối với thành công của chiến dịch “Swachh Bharat”. Chúng tôi muốn bảo đảm bọn trẻ biết cách vệ sinh an toàn và sử dụng nhà vệ sinh. Sau đó, chúng sẽ ảnh hưởng đến cha mẹ. Bọn trẻ là tác nhân thúc đẩy sự thay đổi” - Parameswaran Iyer, quan chức Bộ Nước uống và Vệ sinh Ấn Độ, giải thích với báo The Straits Times.
Nhân dịp này, ông Modi cũng khoe 10.000/18.000 ngôi làng nghèo khắp nước đã được kéo điện về. Một báo cáo của chính phủ năm 2015 cho biết hơn 300 triệu người dân vẫn chưa được sử dụng điện.
Bình luận (0)