Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013, Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) nhận được sự ủng hộ tăng đột biến trên mạng internet, giành 55 ghế so với 68 ghế của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền. Dù vậy, Thủ tướng Hun Sen vẫn phớt lờ các mạng xã hội toàn cầu, đặc biệt là Facebook và bỏ qua những lợi ích mà chúng mang lại.
Hồi tháng trước, một tài khoản Facebook mang tên Hun Sen nhận được hàng triệu lượt “Thích” nhưng ông phủ nhận tài khoản đó là của mình. Vài ngày trở lại đây, Reuters cho biết ông Hun Sen đã thừa nhận mình có tham gia Facebook.
Người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan trong một tuyên bố, nói: “Ông (Hun Sen) sử dụng các thông điệp của bản thân để tiếp cận dân chúng và trả lời câu hỏi của những người muốn chất vấn”.
Trong số 15 triệu người dân Campuchia, có tới 70% ở độ tuổi dưới 30 và 9 triệu người sử dụng mạng internet. Trang Facebook của ông Hun Sen đăng tải những đoạn video và hình ảnh về cơ sở hạ tầng đất nước nhằm cho thấy một Campuchia đang tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Những chia sẻ gần đây nhất của vị lãnh đạo 63 tuổi là về các chương trình truyền hình nổi tiếng như "Cambodian Idol" và "The Voice".
Hồi tháng 6 qua, chính phủ của ông Hun Sen đã tổ chức 2 lớp học bắt buộc đối với 400 hiệu trưởng ở thủ đô Phnom Penh, hướng dẫn họ lập tài khoản Facebook và cách truy cập đến các tài khoản truyền thông xã hội và trang web của CPP.
“Mục đích buổi học nhằm đào tạo nhân viên công chức trên cả nước sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để cải thiện hệ thống thông tin liên lạc” – người phát ngôn Phay Siphan thông báo.
Phe đối lập Campuchia thường sử dụng mạng xã hội để thu hút cử tri trẻ vào các vấn đề như cưỡng bức giải tỏa, lương công nhân nhà máy thấp và nạn hối lộ.
CPP hiện đã nhận ra tồn tại của một chiến trường thực sự trên mạng Facebook trước thềm cuộc bầu cử 2018, theo nhận định của nhà báo kiêm tác giả cuốn sách “Hun Sen's Cambodia”, Sebastian Strangio.
Bình luận (0)