Trong đơn từ chức, bà Schavan tái khẳng định sẽ đấu tranh để bảo vệ thanh danh, song bà từ chức vì không muốn các cáo buộc này ảnh hưởng tới công tác quản lý tại Bộ Giáo dục.
Bốn ngày trước khi từ chức, bà Schavan bị trường đại học cũ tước bằng tiến sĩ với kết luận “sao chép một cách cố ý và có hệ thống” nhiều phần trong luận án "Con người và lương tâm" của bà 33 năm trước.
Là một đồng minh thân cận của Thủ tướng Markel, sự ra đi bất ngờ của bà Schavan là đòn mạnh giáng vào nỗ lực củng cố sức mạnh chính trị của nữ thủ tướng khi chỉ còn 8 tháng nữa là tới cuộc bầu cử quốc hội tại Đức.
Thủ tướng Merkel (phải) chấp thuận đơn từ chức của bà Schavan. Ảnh: Reuters
Thủ tướng dành cho đồng minh thân cận nụ cười an ủi. Ảnh: Reuters
Hiếm khi thể hiện cảm xúc, lần này bà Merkel dành tặng bà Schavan một nụ cười an ủi trong buổi họp báo chung. “Tôi chấp nhận đơn từ chức này với trái tim trĩu nặng” - bà nói với phóng viên. Thay chỗ bà Schavan là bà Johanna Wanka, cựu bộ trưởng giáo dục của hai bang tại Đức.
Đáng nói là nữ bộ trưởng 57 tuổi này là đồng minh thứ hai của Thủ tướng Markel phải ra đi vì đạo văn. Người từ chức trước đó là Bộ trưởng Quốc phòng Karl-Theodor zu Guttenberg, vào tháng 3-2011. Ông cũng bị Đại học Tổng hợp Bayreuth tước học vị tiến sĩ với cáo buộc chép lại nhiều tài liệu của người khác trong luận án tiến sĩ của mình mà không ghi chú.
Bà Merkel đã lãnh đạo nước Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, từ năm 2005. Năm 2009, bà tiếp tục giành đa số áp đảo cho liên minh trung hữu cùng với Đảng Dân chủ Tự do. Hiện bà vẫn nhận được sự ủng hộ của cử tri Đức và nhiều khả năng sẽ giành thêm một nhiệm kỳ bốn năm nữa trong cuộc tổng tuyển cử ngày 22-9 tới.
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy cả liên minh cầm quyền của bà và liên minh trung tả đối lập của Đảng Dân chủ Xã hội với Đảng Xanh đều không thể giành được một đa số trong cuộc bầu cử sắp tới.
Bình luận (0)