Tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Suntec (Singapore), dự phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 hôm 13-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ các sáng kiến của Việt Nam về kết nối nền tảng dữ liệu số, hài hòa giá cước di động, lập Đại học Công nghệ ASEAN và xây dựng mạng lưới thông tin cảnh báo sớm thiên tai ở khu vực...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh trên nền tảng đà thuận lợi có được của năm 2018, tinh thần tự cường và sáng tạo ASEAN cần tiếp tục được đẩy mạnh trong các năm tiếp theo. Theo đó, đoàn kết, thống nhất ASEAN phải tiếp tục là nhân tố then chốt trong tư tưởng và hành động vì một cộng đồng ASEAN vững vàng, tự cường và liên kết chặt chẽ. Thủ tướng ủng hộ ASEAN tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và đối thoại xây dựng lòng tin, đề cao luật pháp quốc tế và ủng hộ một hệ thống quốc tế đa phương dựa trên luật lệ, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đổi mới sáng tạo để tận dụng tối đa cơ hội từ cách mạng công nghệ 4.0 cũng như đem lại các lợi ích thiết thực nhất cho người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các trưởng đoàn dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 tại Singapore hôm 13-11 Ảnh: TTXVN
Về tình hình khu vực và quốc tế, Thủ tướng khẳng định các diễn biến thời gian qua trên biển Đông không khỏi gây lo ngại cho các nước trong khu vực. Những hoạt động đơn phương trên thực địa có thể dẫn đến tính toán sai lầm và nguy cơ va chạm cao.
Thủ tướng nhấn mạnh lại các nguyên tắc đã được nhất trí trong ASEAN về đề cao luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 trong giải quyết hòa bình các tranh chấp, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, không làm phức tạp tình hình; tăng cường lòng tin, tích cực xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Thủ tướng ủng hộ ASEAN đóng vai trò tích cực hỗ trợ Myanmar giải quyết vấn đề nhân đạo tại bang Rakhine cũng như ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Theo TTXVN, cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đã dự lễ khai trương Tuần lễ hàng Việt Nam tại Singapore. Cũng trong chiều 13-11, trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghiệp Sembcorp, ông Neil McGregor - một trong những doanh nghiệp đi đầu trong đầu tư vào Việt Nam với 9 khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), hiện đang tạo việc làm cho 200.000 người.
Trong 2 ngày tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp tục dự các hội nghị cấp cao liên quan, gồm: Cấp cao ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Cấp cao Đông Á (EAS), 7 Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Úc, Nga), Hội nghị Cấp cao các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 2...
Yêu cầu cứng rắn của Mỹ
Châu Á - Thái Bình Dương trong tuần này chứng kiến 2 sự kiện ngoại giao quan trọng, gồm Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan diễn ra ở Singapore từ ngày 13 đến 15-11 và Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea trong ngày 17 và 18-11.
Trong số những vấn đề nóng được thảo luận tại 2 sự kiện trên chắc chắn không thể thiếu tình hình biển Đông. Phát biểu với truyền thông bên lề hội nghị ở Singapore hôm 13-11, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố Mỹ phản đối các bước đi quân sự đơn phương của Trung Quốc ở biển Đông và Washington đang tăng tốc các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải tại vùng biển này.
Trước đó, Washington đã yêu cầu Bắc Kinh dỡ bỏ các hệ thống tên lửa được triển khai tại các đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Theo trang Asia Times, đây là lần đầu tiên Mỹ đề cập trực tiếp đến vấn đề này trong tuyên bố đưa ra sau Đối thoại Ngoại giao và An ninh với Trung Quốc tại thủ đô Washington hôm 9-11.
Dù vậy, một số nhà phân tích hoài nghi khả năng Bắc Kinh đáp ứng yêu cầu nói trên của Washington. Ông Seth Cropsey, chuyên gia tại Viện Hudson (Mỹ), cho rằng chuyện Trung Quốc đảo ngược chính sách theo đuổi trong 10 năm qua chỉ vì sức ép của Mỹ là gần như không tưởng. Tương tự, ông Jeffrey Ordaniel, nhà nghiên cứu tại Diễn đàn Thái Bình Dương (Mỹ), chỉ ra rằng Trung Quốc không chịu hậu quả gì khi phớt lờ những kêu gọi trước đó của Mỹ về việc ngưng cải tạo đất phi pháp ở quần đảo Trường Sa nên không có lý do gì họ lại nghe theo lúc này. Vì thế, theo ông Cropsey, Washington có thể tăng thêm sức ép kinh tế và ngoại giao lên Bắc Kinh bằng những động thái như tăng cường tuần tra hàng hải ở khu vực.
Trong nỗ lực ngăn căng thẳng leo thang ở biển Đông, ASEAN và Trung Quốc đang thúc đẩy COC mang tính ràng buộc về pháp lý và đã nhất trí một văn bản duy nhất để đàm phán về văn kiện này. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 13-11 bày tỏ hy vọng quá trình tham vấn về COC giữa Bắc Kinh và ASEAN sẽ hoàn tất trong vòng 3 năm và nhận định một thỏa thuận như thế sẽ bảo đảm hòa bình, ổn định ở biển Đông và có ích cho thương mại tự do.
Hoàng Phương
Bình luận (0)