Phát biểu hôm 5-6 tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh của nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Thủ tướng Abe nhấn mạnh Nga cần tham gia đối thoại để khôi phục hòa bình ở Ukraine và tỏ ra sẵn sàng hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin.
“Cánh cửa đối thoại luôn để mở. Tôi nghĩ Trung Quốc cũng nên có quan điểm như vậy. Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ đóng một vai trò mang tính xây dựng”.
Cùng ngày, trong bài viết trên báo Straits Times, nhà tư vấn độc lập người Singapore David Koh – đã nghiên cứu về Việt Nam trong 20 năm qua - cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển Việt Nam “rõ ràng là muốn sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp quốc tế”.
Ông Koh nhấn mạnh sử dụng lực lượng bán quân sự đã tạo ra “thách thức rất nghiêm trọng đối với những nguyên tắc cơ bản về hòa bình ở khu vực trong vài thập kỷ qua”. Theo ông, trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc “chỉ nói suông về ý tưởng của một bộ quy tắc ứng xử, trong khi lại hiện đại hóa quân đội và củng cố tuyên bố chủ quyền của riêng mình".
Do đó, ông Koh khẳng địn các nước ASEAN cần có phản ứng tập thể và đây là lúc để ASEAN đánh giá lại mối đe dọa của Trung Quốc đối với trật tự khu vực mà ASEAN đã xây dựng và điều hành một cách cẩn trọng trong suốt bốn thập kỷ qua.
Người dân Philippines cùng người Việt biểu tình phản đối Trung Quốc ở Makati - Philippines ngày 16-5.
Ảnh: AP
Kyodo dẫn lời một nhà ngoại giao Philippines cho biết Indonesia đã đề nghị các ngoại trưởng ASEAN nhóm họp đặc biệt trước thềm hội nghị bộ trưởng ASEAN dự kiến vào tháng 8 tới để đánh giá về căng thẳng đang gia tăng trên biển Đông.
Nguồn tin nói: "Đó là hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN đặc biệt do Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đề xuất để tập trung vào vấn đề biển Đông".
Trong khi đó, Philippines cho hay đang xem xét khả năng chính thức phản đối Bắc Kinh làm thay đổi nguyên trạng các vùng biển có tranh chấp trên biển Đông.
Trang Rappler của Philippines dẫn lời Ngoại trưởng Albert del Rosario nói với các nhà báo hôm 5-6 rằng nếu khẳng định được Trung Quốc bành trướng hiện diện trong vùng biển đang có tranh chấp với Philippines và có những hành động xây dựng cơ sở hạ tầng như đã làm trên bãi Gạc Ma (tên quốc tế là Johnson) thuộc quần đảo Trường Sa, Manila sẽ tính đến việc đưa ra phản đối chính thức.
Cũng theo ông Rosario, việc Trung Quốc tăng cường hiện diện ở những vùng biển đang có tranh chấp là vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký kết năm 2002.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho phóng viên hay bên lề Hội nghị Á – Âu (ASEM) tổ chức ở Manila rằng Trung Quốc đã gửi tàu đến 2 bãi đá ngầm Gavin (Ga Ven) và Cuateron (Châu Viên) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam gần đây.
Về việc Trung Quốc tiếp tục từ chối tham gia vụ kiện do Philippines khởi xướng, ông Aquino nhấn mạnh sẽ vẫn có phán quyết. “Nếu Trung Quốc là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, mọi người có thể hy vọng họ sẽ tuân theo mọi hiệp ước, thỏa thuận đã tham gia - đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) - không chỉ với chúng tôi mà với nhiều nước khác nữa".
Cũng trong ngày 5-6, Trung Quốc tiếp tục lớn tiếng ngang ngược rằng “sẽ đáp trả tức thì bất cứ khiêu khích nào đối với lãnh thổ”. Phản ứng trước tuyên bố phản đối thay đổi hiện trạng ở biển Đông và Hoa Đông của nhóm G7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói “những nước ngoài khu vực không nên kích động căng thẳng”.
Bình luận (0)