Những hành động nguy hiểm của Trung Quốc đối với các nước láng giềng khiến lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) không thể không quan ngại dù trọng tâm của cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels - Bỉ hôm 4-6 tập trung vào khủng hoảng Ukraine.
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về căng thẳng ở biển Đông và Hoa Đông. Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương của bất cứ nước nào nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền thông qua hăm dọa, cưỡng ép hay sử dụng vũ lực” - tuyên bố chung sau cuộc họp nêu rõ.
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau khi Trung Quốc ngoan cố đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng tàu hộ tống tiến sâu vào vùng biển Việt Nam và không ngừng tấn công tàu thuyền Việt Nam.
Giới quan sát nhận định dù tuyên bố không nêu cụ thể tên một quốc gia nào nhưng không khó để nhận ra đích nhắm là hành động hung hăng và ngang ngược của Bắc Kinh.
Đặc biệt, tuyên bố còn nhấn mạnh các nước cần tuân theo luật pháp quốc tế giữa lúc Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên từ chối yêu cầu của Tòa Trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc về việc Bắc Kinh phải trả lời hồ sơ kiện do phía Philippines đệ trình nhằm phản đối những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.
Nhóm G7 quan tâm đến tình hình căng thẳng ở biển Đông
Ảnh: REUTERS
Sau khi Bắc Kinh phải chịu hàng loạt chỉ trích từ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar tới Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 ở Singapore vừa qua, Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc hôm 5-6 bất ngờ công bố một cuốn sách với những lập luận hoang đường rằng Việt Nam và Philippines đang “thao túng” ASEAN để giành sự ủng hộ tại biển Đông, đồng thời làm xấu đi quan hệ của Bắc Kinh với láng giềng.
Tuy nhiên, có thể thấy rõ chính Trung Quốc mới là bên có mưu đồ chia rẽ ASEAN và trì hoãn soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) bằng cách gây áp lực kinh tế và chính trị lên một số nước thành viên.
Báo Straits Times ngày 5-6 dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cảnh báo nguy cơ các cuộc tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông gây thiệt hại cho giao thương châu Á. Trước đó, phát biểu tại Philippines, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Penny Pritzker tố cáo Trung Quốc đang làm xấu đi môi trường kinh doanh châu Á bằng những hành động gây hấn trên biển Đông.
Thêm vào đó, Trung Quốc không ngừng chủ động quấy nhiễu vùng biển của láng giềng. Tổng thống Philippines Benigno Aquino tiết lộ Trung Quốc đã triển khai thêm nhiều tàu đến 2 bãi đá ngầm Gavin (Ga Ven) và Cuateron (Châu Viên) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam gần đây.
Trong cuộc họp báo hôm 5-6, ông Aquino cho biết những chiếc tàu đó giống như loại dùng để vận chuyển cát và sỏi đến bãi Gạc Ma cũng thuộc Trường Sa.
Trung Quốc đối mặt khủng hoảng lương thực
Trung Quốc có thể rơi vào khủng hoảng lương thực do 1/5 đất canh tác đang bị hoang hóa bởi tình trạng ô nhiễm môi trường, chủ yếu là ô nhiễm công nghiệp hóa chất và công nghiệp sản xuất điện từ than đá.
Thông tin này được Bắc Kinh xác nhận trong một báo cáo từng được xếp hạng “bí mật quốc gia”. Theo tạp chí World Policy Journal ngày 4-6, báo cáo là hồi chuông cảnh tỉnh đối với giới chức Trung Quốc về cuộc khủng hoảng lương thực tiềm tàng.
Trong tương lai, an ninh lương thực dài hạn của Trung Quốc phụ thuộc vào khả năng giải quyết các vấn đề môi trường cũng như nạn tham nhũng trong nông nghiệp của chính phủ. Để bảo đảm ổn định nguồn cung lương thực, Trung Quốc phải tăng cường nhập khẩu và hướng tới Đông Nam Á dù đây đang là khu vực căng thẳng với Trung Quốc.
Trong một diễn biến khác, giới chức khu tự trị Tân Cương ngày 5-6 thông báo bắt giữ 29 nghi phạm khủng bố. Cùng ngày, 9 người lãnh án tử hình ở Tân Cương vì nhiều tội danh liên quan đến chủ nghĩa khủng bố.
Huệ Bình
Bình luận (0)