Ngày 24-9 (giờ địa phương), trong ngày làm việc cuối cùng tại Mỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục gặp gỡ lãnh đạo các nước trước khi lên chuyên cơ trở về Việt Nam. Chủ tịch nước đã gặp tổng thống các nước Namibia, Guinea Bissau, Barbados và Tổng thống Đức Walter Steinmeier. Tiếp đó, Chủ tịch nước đến đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm 11-9.
Trước đó, trong ngày 23-9 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có thông điệp gửi Hội nghị Thượng đỉnh các hệ thống lương thực của Liên Hiệp Quốc (LHQ) do Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres chủ trì.
Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tại Việt Nam, bảo đảm lương thực chính là nền tảng xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống và là cơ hội để phát triển nông nghiệp Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề xuất một số giải pháp, bao gồm: chuyển đổi tăng trưởng nông nghiệp sang tích hợp đa giá trị bao gồm các giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa, cảnh quan môi trường; phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp và thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19; giảm thất thoát và lãng phí trong lương thực...
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đã hình thành các mạng lưới đổi mới sáng tạo, sẵn sàng tham gia các khuôn khổ hợp tác của LHQ và muốn phát triển thành một trung tâm sáng tạo về lương thực, thực phẩm ở khu vực.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc tại Công ty Pfizer ngày 23-9 Ảnh: TTXVN
Cùng ngày 23-9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có cuộc trao đổi với đại diện của các nước là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Trao đổi với đại diện của đoàn Trung Quốc, Chủ tịch nước nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nước cũng như đóng góp vào hòa bình, hợp tác của khu vực và trên thế giới. Với đại diện của đoàn Liên bang Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Nga là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Trong cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Chủ tịch nước cảm ơn Mỹ đang là một trong những nước tài trợ vắc-xin Covid-19 lớn nhất cho các nước qua cơ chế COVAX. Qua cơ chế này, Việt Nam đã nhận được 5 triệu liều.
Ngoại trưởng Blinken nhắc lại cam kết mới về đóng góp nửa tỉ liều vắc-xin của Tổng thống Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh về Covid-19 mà Chủ tịch nước tham dự hôm 22-9. Do đó, chắc chắn thời gian tới đây, Việt Nam và các nước sẽ tiếp tục nhận thêm vắc-xin qua COVAX.
Khẳng định Việt Nam luôn xem Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, đặc biệt là về kinh tế, thương mại và đầu tư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hai nước cần tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao, tạo điều kiện để các tập đoàn lớn của Mỹ, nhất là tập đoàn công nghệ cao, hiện diện nhiều hơn tại Việt Nam. Song song đó là bảo đảm quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cân bằng cán cân thương mại song phương.
Cũng trong ngày 23-9 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Công ty Pfizer. Chủ tịch nước bày tỏ ấn tượng về vai trò tích cực của Pfizer trong các hoạt động phòng chống Covid-19, đặc biệt là phát triển thành công vắc-xin Pfizer-BioNTech, được toàn thế giới công nhận là một "vũ khí" khống chế đại dịch hiệu quả cao.
Chủ tịch nước đánh giá cao Công ty Pfizer đã bàn giao hơn 2,8 triệu liều vắc-xin theo hợp đồng đã ký với Chính phủ Việt Nam, đồng thời đề nghị Pfizer tăng số lượng vắc-xin cung cấp cho Việt Nam sớm nhất trong tháng 9-2021 và giao hết trong năm 2021 theo hợp đồng 31 triệu liều mà hai bên đã ký kết.
Bên cạnh đó là đề nghị Pfizer cụ thể hóa lộ trình để bàn giao sớm nhất vắc-xin cho trẻ em từ 12-18 tuổi và sớm hoàn tất thủ tục chấp thuận để các quốc gia khác nhanh chóng nhượng lại vắc-xin Pfizer cho Việt Nam khi Việt Nam đạt được thỏa thuận mua lại từ các nước này.
Phó Chủ tịch Pfizer Jonathan Selib cam kết cung cấp đủ 31 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho người lớn trong năm nay, đồng thời có 20 triệu liều vắc-xin cho trẻ em khi Pfizer có đủ dữ liệu về hiệu quả và tính an toàn. Ngoài ra, ông Selib cũng đã ghi nhận đề nghị hợp tác sản xuất vắc-xin.
Ngày 25-9, khi về đến sân bay Nội Bài, đoàn cấp cao Việt Nam sẽ bàn giao vắc-xin Covid-19, thiết bị y tế đã được nước bạn, đối tác và bà con người Việt ở Mỹ ủng hộ.
Tại cuộc tiếp ngày 23-9 (giờ địa phương), trước khi kết thúc chuyến làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva vì đã hợp tác trong công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế cũng như chung tay với Việt Nam ứng phó dịch Covid-19.
Chủ tịch nước cũng hoan nghênh IMF đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Thương mại thế giới thiết lập cơ chế Nhóm Đặc trách về vắc-xin Covid-19 nhằm thúc đẩy cung ứng vắc-xin, thiết bị y tế... cho các nước đang phát triển. Tổng Giám đốc Georgieva khẳng định IMF sẽ hỗ trợ Việt Nam vượt qua khó khăn của đại dịch và đồng hành với Việt Nam tiếp tục phát triển đất nước.
Bình luận (0)