Theo AP, các chủ đề khác trong chương trình hội nghị gồm tình hình căng thẳng ở Hồng Kông, chương trình hạt nhân của Iran…
Bất đồng đã xuất hiện khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phản ứng với tuyên bố của chính phủ Pháp rằng các nhà lãnh đạo G7 đã đồng ý để Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thay mặt họ gửi thông điệp tới Iran. Được hỏi liệu ông có ký tên vào thông điệp này không, ông D.Trump nói: "Tôi đã không thảo luận vấn đề này". Không có thông tin chi tiết về thông điệp trên nhưng phía Pháp cho biết mục tiêu của nó là ngăn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân và tránh căng thẳng leo thang hơn nữa ở Trung Đông. Dù vậy, tại cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, ông D.Trump khẳng định sẽ không ngăn cản bất kỳ nhà lãnh đạo nào đối thoại với Iran.
Phiên làm việc của các nhà lãnh đạo G7 hôm 25-8. Ảnh: REUTERS
Điều đáng nói là cuộc họp của lãnh đạo các nước Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản diễn ra vào một trong những thời điểm khó đoán nhất dưới thời Tổng thống D.Trump, khi những phát biểu công khai và các quyết sách của ông có vẻ ngày càng thất thường và gay gắt. Các nhà lãnh đạo G7 đang đối mặt nỗi lo gia tăng liên quan đến kinh tế thế giới, những căng thẳng mới về thương mại, Iran và Nga.
Trong bối cảnh đó, dư luận không có nhiều kỳ vọng hội nghị lần này có thể đạt được tiến triển đáng kể về một loạt vấn đề nóng hiện nay. Điều này thể hiện phần nào qua thông tin hội nghị G7 năm nay gần như chắc chắn từ bỏ truyền thống đưa ra tuyên bố chung cuối cùng. Ngoài ra, Mỹ đang bất đồng với các nước khác trong G7 về một loạt vấn đề, như biến đổi khí hậu, thương mại. Tuy nhiên, theo Reuters, Tổng thống D.Trump hôm 25-8 tự tin tuyên bố ông đang hòa thuận với các đồng minh phương Tây tại hội nghị, đồng thời bác bỏ nhận định đang có rạn nứt giữa các nhà lãnh đạo.
Theo hãng tin DPA, các phiên đối thoại song phương giữa các nhà lãnh đạo thế giới có thể là điểm nổi bật của Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay. Tại một cuộc gặp như thế giữa ông D. Trump và ông Macron hôm 24-8, hai nhà lãnh đạo này đã thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến Libya, Iran và Nga, cũng như chính sách thương mại và biến đổi khí hậu. Ông D.Trump khăng khăng rằng dù có căng thẳng, hai ông thực sự có "nhiều điểm chung" và "mối quan hệ đặc biệt".
Ngoài ra, hãng tin Kyodo ngày 25-8 trích dẫn nguồn tin chính phủ cho biết trong ngày họp đầu tiên, các nhà lãnh đạo G7 đã bàn bạc về khả năng khôi phục dạng thức G8 với sự tham gia của Nga. Tuy nhiên, chi tiết cuộc thảo luận này không được tiết lộ.
Bình luận (0)