Có thể hiểu được chính quyền ông Moon không muốn bỏ qua cơ hội thúc đẩy hoạt động trao đổi liên Triều thời gian tới. Những kết quả tích cực đạt được có thể mở đường cho hy vọng tái thống nhất trên bán đảo Triều Tiên và mang lại cú hích kinh tế, những cơ hội làm ăn lớn chưa từng có.
Tuy nhiên, đã xuất hiện lời kêu gọi thận trọng với lý do giờ chưa phải lúc các doanh nghiệp Hàn Quốc đến Triều Tiên thăm dò cơ hội.
Bình Nhưỡng hiện chưa từ bỏ kho vũ khí hạt nhân trong khi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên mạnh mẽ của Liên Hiệp Quốc vẫn đang được duy trì. Do đó, theo tờ The Korea Herald, sẽ là vội vã nếu Seoul thúc đẩy các dự án kinh tế với Bình Nhưỡng lúc này. Hơn nữa, những dự án chung liên Triều có nguy cơ gây hại đến nỗ lực phi hạt nhân hóa đang được cộng đồng quốc tế theo đuổi và tác động tiêu cực đến doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia các dự án như thế.
Hai nhà lãnh đạo tay bắt mặt mừng ngày 26-5 trong lần thượng đỉnh liên Triều thứ hai. Ảnh: Nhà Xanh
Tờ báo này cho rằng tốt hơn nên hoãn các dự án kinh tế với Triều Tiên cho đến khi đàm phán về phi hạt nhân hóa đạt tiến triển thực chất. Một lý do quan trọng hơn là việc đầu tư vào Triều Tiên lúc này sẽ đối mặt với không ít rủi ro và bất ổn.
Làm ăn chung đã khó, chuyện thống nhất 2 miền Triều Tiên chắc chắn còn rất xa vời. Trước thềm cuộc gặp mới nhất giữa ông Moon và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên một lần nữa nêu bật ý tưởng này thông qua truyền thông nhà nước và các sự kiện lớn. Chưa hết, những người dân được Reuters phỏng vấn trên đường phố Bình Nhưỡng mới đây đều ủng hộ ý tưởng thống nhất và tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ thúc đẩy khả năng này thành hiện thực hơn bao giờ hết.
Dù vậy, chuyện thống nhất đang ngày càng bị xem là phi thực tế giữa lúc hai miền Triều Tiên vẫn còn khoảng cách quá lớn. "Triều Tiên đang thúc đẩy câu chuyện thống nhất không phải vì tin vào điều này mà vì đây là khẩu hiệu mạnh mẽ giúp biện minh cho động thái cải thiện quan hệ liên Triều. Trong khi đó, với người Hàn Quốc, ý tưởng thống nhất khiến họ nhớ ngay đến gánh nặng chi phí" - ông Lim Eul-chul, chuyên gia tại Trường ĐH Kyungnam ở Seoul, giải thích.
Một số phỏng đoán về chi phí tái thống nhất bán đảo Triều Tiên được đưa ra, với con số cao nhất lên đến 5.000 tỉ USD. Nhiều chuyên gia tin rằng hầu hết chi phí này sẽ đè lên vai Seoul. Không gì khó hiểu khi một cuộc khảo sát hồi năm 2017 của Viện Nghiên cứu hòa bình và Thống nhất của Trường ĐH Quốc gia Seoul cho thấy chỉ 53% người Hàn Quốc nói thống nhất là cần thiết.
Bình luận (0)