Trong khi một số nhà quan sát chưa hài lòng với thỏa thuận được ký kết tại thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu (mà họ cho là thiếu những cam kết mang tính ràng buộc), số khác lại tranh luận hội nghị tổ chức ở Singapore vào tháng 6 năm ngoái có giá trị là bước tiến hợp tác giữa hai quốc gia từng thù địch nhau hàng thập kỷ.
Tuy nhiên, thiện chí giữa Bình Nhưỡng và Washington không thể tồn tại chỉ với bầu không khí tích cực. Đó là lý do mà tại thượng đỉnh lần hai ở Việt Nam vào cuối tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un phải đạt được một thỏa thuận thực chất và vững chắc.
Ông Trump có thể sẽ yêu cầu Triều Tiên tuân thủ các bước phi hạt nhân hóa cụ thể trong khi ưu tiên hàng đầu của ông Kim là dỡ bỏ các trừng phạt kinh tế đang nhằm vào Triều Tiên. Trong cuộc đàm phán này, ông Trump chịu nhiều sức ép từ quê nhà hơn. Một chiến thắng đối ngoại có thể giúp ông xoa dịu các thách thức trong nước.
Sau thượng đỉnh lần đầu ở Singapore, ông Donald Trump tuyên bố Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân. Nhưng trên thực tế, Bình Nhưỡng vẫn sở hữu nhiều nguyên liệu hạt nhân và chưa đưa ra lộ trình từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Dù vậy, Triều Tiên đã có bước đi được xem là hướng tới phi hạt nhân hóa, khi cho phá hủy một cơ sở thử nghiệm hạt nhân vào năm ngoái.
Dưới đây là một số giải pháp mà Mỹ - Triều có thể sử dụng để đạt tới thành công trong đàm phán.
Triều Tiên phá hủy khu thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri ở tỉnh Bắc Hamgyong vào tháng 5-2018 như một minh chứng về phi hạt nhân hóa Ảnh: REUTERS
Giảm bớt tập trận chung Mỹ - Hàn
Dù ông Trump không còn nhắc đến chuyện rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc nhưng trong tay ông vẫn còn một lá bài đàm phán khác, đó là giảm bớt các cuộc tập trận chung hằng năm với Seoul. Lá bài này vừa tiết kiệm tiền bạc cho Mỹ vừa làm hài lòng phía Triều Tiên mà lại không ảnh hưởng tới uy tín của Washington. Nguyên nhân là Mỹ vẫn giữ vững cam kết bảo vệ đồng minh thông qua mạng lưới căn cứ quân sự ở Hàn Quốc. Về phần Seoul, họ cũng sẽ chấp nhận giảm bớt tập trận, bởi nhiều quan chức trong chính phủ hiện nay xem điều đó là phản tác dụng đối với xu hướng tái tiếp cận Triều Tiên đang diễn ra mạnh mẽ hơn.
Làm rõ khái niệm phi hạt nhân hóa
Thỏa thuận ở Singapore vào năm ngoái nêu rằng hai bên sẽ hợp tác để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Điều này gây ra một số mơ hồ. Ví dụ, Mỹ không tích trữ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nhưng vẫn cam kết che chở cho Hàn Quốc bằng "chiếc dù hạt nhân" - đồng nghĩa với việc Mỹ sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân để bảo vệ đồng minh nếu cần thiết. Do đó, Triều Tiên có thể diễn giải "phi hạt nhân hóa" thành quân Mỹ phải rút hết khỏi Hàn Quốc.
Có thể cả hai khó lòng đồng thuận triệt để về điều gọi là "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" nhưng ít ra tại thượng đỉnh thứ hai sắp tới, ông Trump phải làm rõ rằng sẽ không có chuyện Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi Hàn Quốc. Và nếu Triều Tiên muốn có bất cứ "giải pháp tương ứng" từ phía Mỹ, họ cần làm rõ các bước hướng tới phi hạt nhân hóa, trong đó phải ưu tiên tiết lộ các loại vũ khí hạt nhân mà Bình Nhưỡng đang sở hữu.
Đặt nền tảng cho đối thoại tương lai
Các cuộc thượng đỉnh luôn thu hút sự chú ý song ngoại giao thực sự lại diễn ra sau cánh cửa đóng kín.
Ông Stephen Biegun, đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên, gần đây đã tới Bình Nhưỡng để bàn về kỳ thượng đỉnh tại Việt Nam. Sau khi rời Triều Tiên, ông nói "còn rất nhiều việc phải làm". Bất chấp áp lực ngày càng tăng, rất khó để đạt được một kết quả thực sự đột phá trong lần thượng đỉnh Mỹ - Triều thứ hai. Vì vậy, hai bên cần thiết lập cơ chế gặp gỡ thường xuyên giữa các nhà ngoại giao.
Chính tại các cuộc gặp này, lực lượng chuyên gia đàm phán sẽ tháo gỡ những vướng mắc thực sự của tiến trình phi hạt nhân hóa. Càng duy trì đàm phán, Mỹ và Triều Tiên càng có cơ hội tạo dựng quan hệ ngoại giao chính thức, từ đó mở đại sứ quán ở thủ đô của nhau.
Dù cái đích phi hạt nhân hóa còn xa song Tổng thống Donald Trump đã đúng khi chỉ ra rằng trong cả năm qua, Triều Tiên đã không còn gây căng thẳng. Và biết đâu đang xuất hiện một thế hệ người trẻ ở Triều Tiên có thể xem Mỹ như đối tác tiềm năng thay vì kẻ thù.
Bình luận (0)