Ngày 31-12, ông Hawley cho biết: "Tôi không thể xác nhận kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn vào ngày 6-1 mà không nêu lên thực tế một số tiểu bang, đặc biệt là Pennsylvania, đã không tuân thủ luật bầu cử. Tôi không thể xác nhận kết quả mà không chỉ ra âm mưu của các siêu tập đoàn, gồm Facebook và Twitter, can thiệp vào cuộc bầu cử nhằm hỗ trợ ông Joe Biden. Ít nhất, Quốc hội nên điều tra các cáo buộc gian lận cử tri và áp dụng các biện pháp để đảm bảo tính toàn vẹn của cuộc bầu cử. Tuy nhiên, cho đến nay Quốc hội chưa hành động".
Như vậy, ông Hawley là thành viên Thượng viện đầu tiên xác nhận tham gia nỗ lực thách thức kết quả ở Quốc hội, trong bối cảnh một nhóm thành viên Cộng hòa tại Hạ viện, dẫn đầu bởi Hạ nghị sĩ Mo Brooks đại diện bang Alabama, cam kết lật ngược kết quả bầu cử bằng cách thách thức kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley tuyên bố sẽ thách thức kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn. Ảnh: The Kansas City Star
Nếu thách thức kết quả nhận được sự ủng hộ của ít nhất một thượng nghị sĩ và một hạ nghị sĩ, vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu riêng tại Thượng viện và Hạ viện. Thách thức kết quả cần có sự ủng hộ của 2/3 thành viên mỗi viện lập pháp để được thông qua.
Nếu thủ tục thách thức kết quả được khởi động vào ngày 6-1-2021, đây sẽ là lần thứ 3 trong lịch sử kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu ở Quốc hội. Trong hai lần trước vào năm 1969 và 2005, các thách thức không nhận được đủ sự ủng hộ tại lưỡng viện nên bị bác bỏ.
Các chuyên gia nhận định ít có khả năng nỗ lực thách thức kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn có thể nhận đủ số phiếu ủng hộ tại Quốc hội. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell kêu gọi các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa không thách thức cuộc bỏ phiếu vì nó sẽ gây ra hệ lụy cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.
Về phần Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, bà bác bỏ tuyên bố của ông Hawley, khẳng định với các phóng viên rằng ông Biden sẽ được công nhận là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ qua việc chấp nhận cuộc bỏ phiếu của Cử tri đoàn.
Theo NBC News, bất chấp phản đối của Hawley có thể dẫn đến một ngày dài, Quốc hội có thể tranh luận trong tối đa 2 giờ về phản đối kết quả của mỗi bang trước khi các thành viên bỏ phiếu.
Quan hệ giữa Tổng thống Donald Trump và Thống đốc Georgia Brian Kemp (đứng cạnh ông Trump) rạn nứt từ một năm trước. Ảnh: AP
Trong khi đó, ông Joe Biden và bà Kamala Harris sẽ đến Georgia để vận động cho cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện vào tuần tới. Ở chiều ngược lại, Tổng thống Donald Trump hôm 30-12 kêu gọi Thống đốc bang Georgia Brian Kemp (thuộc Đảng Cộng hòa) từ chức.
Ông Trump chỉ trích Thống đốc bang Georgia vì từ chối ủng hộ tuyên bố của tổng thống rằng ông đã thắng ở Georgia. Tổng thống Trump và các đồng minh bất bình với Thống đốc Kemp và Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger cáo buộc bộ đôi này điều hành sai trong bầu cử ở Georgia.
Ông Trump viết trên Twitter: "Ông Brian Kemp nên từ chức. Ông ta là một kẻ cản trở, người không chịu thừa nhận rằng chúng tôi đã thắng Georgia. Thắng lớn! Cũng như đã thắng các bang khác".
Quan hệ giữa Tổng thống Trump và Thống đốc Brian Kemp rạn nứt từ một năm trước. Khi đó, ông Brian Kemp biến việc bổ nhiệm bà Kelly Loeffler vào chiếc ghế thượng nghị sĩ bỏ trống của Georgia thành sự đã rồi, khiến tổng thống không còn cách nào khác ngoài việc phải chấp nhận.
Bình luận (0)