Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Van Hollen (bang Maryland) và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton (bang Arkansas) kêu gọi Thượng viện thay đổi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng quốc gia, theo đó sẽ khôi phục các biện pháp trừng phạt cứng rắn mà trước đó Bộ Thương mại Mỹ đã áp đặt cho ZTE, công ty viễn thông lớn thứ hai của Trung Quốc.
"Các công ty này đã chứng tỏ họ không đáng tin cậy. Vào thời điểm này, hình phạt phù hợp duy nhất là tuyên án tử hình. Điều đó có nghĩa là không cho họ kinh doanh ở Mỹ" – ông Cotton nói.
Ông Van Hollen cũng ủng hộ quan điểm của ông Cotton và nói thêm rằng ZTE đã vi phạm nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ nên không thể dễ dàng bỏ qua.
Cả hai ông Van Hollen và Cotton đều là thành viên của nhóm thượng nghị sĩ thuộc lưỡng đảng đã đồng ý đưa nội dung chỉnh sửa vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng quốc gia hôm 11-6. Đạo luật này dự kiến được thượng viện bỏ phiếu trong tuần này sau khi qua ải hạ viện hồi tháng 5.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton. Ảnh: RollCall
Cũng trong ngày 13-6, Giám đốc Các vấn đề lập pháp của Nhà Trắng Marc Short cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump dự định phản đối hành động nói trên.
Cuộc đối đầu giữa các nhà lập pháp và Nhà Trắng có thể khiến số phận ZTE trở nên không rõ ràng trước khi ông Trump dự kiến trong ngày 15-6 quyết định có áp đặt mức thuế lên số hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỉ USD hay không.
Tổng thống Donald Trump từng nói thỏa thuận với ZTE là cần thiết và xem đây là cử chỉ thiện chí để thúc đẩy đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh về vấn đề thương mại.
Trong khi đó, bị kẹt giữa các vấn đề chính trị, giá trị cổ phiếu của ZTE đã giảm 42% xuống còn 14,96 HKD (1,91 USD)/cổ phiếu ở Hồng Kông hôm 13-6.
Chính trường Mỹ chia rẽ trước động thái "cứu" ZTE của ông Trump. Ảnh: AP
ZTE quay trở lại sàn chứng khoán kể từ ngày 13-6 sau khi đồng ý trả khoản tiền phạt 1,4 tỉ USD cho chính phủ Mỹ.
Hồi tháng 4, ZTE bị cấm mua thiết bị, linh kiện từ Mỹ trong vòng 7 năm do vi phạm lệnh trừng phạt về việc bán thiết bị cho Iran và Triều Tiên. Lệnh cấm đã ngăn ZTE mua vi mạch từ Công ty Qualcomm của Mỹ và những linh kiện khác, từ đó buộc công ty viễn thông Trung Quốc ngừng các hoạt động lớn trong vòng vài tuần sau đó.
Sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ đảo ngược quyết định vào tháng 5 để cứu ZTE, ông đã gặp phải sự phản đối từ một nhóm thượng nghị sĩ thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Họ nói rằng ZTE là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ và không thể thương lượng việc loại bỏ các biện pháp trừng phạt.
Bình luận (0)