Thủ tướng Malaysia Najib Razak là người đi trước khi ông gặp tổng thống Mỹ ở Phòng Bầu dục ngày 12-9 (giờ địa phương). Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha dự kiến đến Washington trong tháng 10.
Theo tờ South China Morning Post, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang bận tâm nhiều chuyện (thời tiết cực đoan, mối quan hệ với quốc hội, vấn đề Triều Tiên...), 3 nhà lãnh đạo nói trên phải nỗ lực đạt được mục tiêu chung: Thuyết phục nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm bớt quy mô chính sách bảo hộ và để mắt hơn đến Đông Nam Á.
Giới quan sát nhận định các chuyến thăm này thể hiện nỗ lực thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ thương mại đã "ra hoa kết trái" dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama nhưng đang bị đe dọa do lập trường không thân thiện với tự do thương mại toàn cầu của ông Donald Trump.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak và phu nhân Rosmah Mansor Ảnh: AP
Ngoài ra, đối mặt sự trỗi dậy của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á nhiều khả năng thúc giục ông chủ Nhà Trắng không làm xáo trộn cán cân quyền lực ở khu vực bằng cách giảm bớt hiện diện quân sự.
"Mục tiêu chính (của các chuyến thăm) là được Mỹ tái bảo đảm về sự quan tâm và cam kết đối với Đông Nam Á, sao cho khu vực này được đề cập trong các cuộc đối thoại về chính sách đối ngoại ở Mỹ" - ông Joseph Liow, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nhận định.
Riêng với Thủ tướng Malaysia Najib Razak, ý nghĩa chuyến thăm Mỹ còn quan trọng ở chỗ nhà lãnh đạo này sẽ đối mặt các cuộc bầu cử vào năm tới và muốn chứng tỏ ông vẫn còn được Nhà Trắng hoan nghênh bất chấp Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra hình sự quỹ đầu tư nhà nước Malaysia 1MDB.
Theo Reuters, ông Najib sáng lập quỹ này và hiện nó đang bị điều tra tại 6 nước. Người phát ngôn Nhà Trắng hôm 11-9 cho biết 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Malaysia sẽ tập trung thảo luận về vấn đề Triều Tiên, cuộc chiến chống sự bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Đông Nam Á, tình hình biển Đông, thương mại và đầu tư.
Bình luận (0)