Đây là lần đầu tiên tài sản của nhóm người giàu nhất châu Á sụt giảm kể từ khi Bloomberg lập ra bảng xếp hạng vào năm 2012.
Căng thẳng thương mại thế giới cùng những bất ổn trên thị trường chứng khoán là 2 nguyên nhân chính khiến giới siêu giàu châu Á "nghèo" bớt, bất chấp năm 2018 là thời điểm chín muồi để khu vực này sản sinh thêm những người siêu giàu vì những công nghệ mới luôn thu hút được sự hỗ trợ của chính phủ lẫn tư nhân.
Theo Bloomberg, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc chịu tác động mạnh mẽ.
Tài sản của tỉ phú Vương Kiện Lâm “bốc hơi” 10,8 tỉ USD trong năm nay Ảnh: AP
Hơn 2/3 trong tổng số 40 tỉ phú Trung Quốc có tên trong danh sách đã "bớt giàu" trong năm 2018. Trong số này, ông Vương Kiện Lâm, chủ Tập đoàn Wanda Group, là tỉ phú có tài sản giảm nhiều nhất ở Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung (10,8 tỉ USD). Nếu tính theo tỉ lệ % thì tỉ phú Lưu Cường Đông - nhà sáng lập tập đoàn thương mại điện tử JD.com - chịu tổn thất lớn nhất. Tài sản của ông này đã "bốc hơi" gần 50%, còn 4,8 tỉ USD.
Trong khi đó, 23 tỉ phú hàng đầu Ấn Độ mất tổng cộng 21 tỉ USD. Mất nhiều nhất là ông Lakshmi Mittal, chủ công ty thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal, với khối tài sản giảm 29% (tương đương 5,6 tỉ USD). Còn tại Hàn Quốc, 7 người giàu nhất mất tổng cộng 17,2 tỉ USD, trong đó ông Lee Kun-hee và con trai Jay Y Lee đang nắm quyền điều hành hãng Samsung Electronics, chiếm hơn 30% số tiền này.
Tại Hồng Kông, các ông trùm bất động sản thiệt hại đáng kể. Tỉ phú Lý Gia Thành - người tuyên bố về hưu, thôi giữ chức chủ tịch CK Hutchison và CK Asset hồi tháng 3 - mất 6 tỉ USD trong năm nay.
Bình luận (0)