Tỉ phú Mikhail Prokhorov gặp gỡ sinh viên Trường Đại học Moscow. Ảnh: Ria Novosti
Xóa “mù” về tài chính
Tổng thống Medvedev rất mong muốn các hiệu trưởng ủng hộ sáng kiến của ông. Tuy nhiên, dư luận nước Nga đã có những ý kiến trái chiều về vấn đề đó. Phần lớn người Nga phản ứng tiêu cực trước đề xuất trên. Nhiều người không muốn các tỉ phú dạy con cái họ. Họ cho rằng các nhà tài phiệt chỉ có thể dạy con cái họ tính hoài nghi, tình trạng vô đạo đức và tham nhũng.
Theo trang web Russia Profile, các chuyên gia cho rằng việc cải thiện tình trạng “mù” về tài chính phải là một ưu tiên của ngành giáo dục. Mặt khác, các nhà chuyên môn bày tỏ nhiều quan điểm khác nhau nhưng đều nhất trí rằng tình trạng thiếu kiến thức về tài chính là vấn đề đang lan rộng ở Nga.
Một số người cho rằng các doanh nhân hàng đầu đến trường học để giảng dạy là cơ hội có một không hai đối với học sinh. Trẻ em sẽ được trực tiếp học tập từ những người thành công thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, những người có nhiều kinh nghiệm thực tế. Học sinh sẽ có thể trực tiếp đặt câu hỏi với họ, tiếp nhận những ý tưởng và sách lược của họ.
Bà Lyubov Dukhanina, Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển giáo dục, hoan nghênh ý tưởng đưa các doanh nhân thành đạt vào cộng tác trong hệ thống giáo dục. Bà thừa nhận: “Giáo dục tiểu học và trung học của Nga thường bị chỉ trích vì quá xa rời đời sống hiện đại. Sau khi các điều kiện kinh tế trong nước thay đổi vào thập niên 1990, các trường đã bắt đầu dạy những môn học mới, chẳng hạn kinh tế học. Thế nhưng, vấn đề của chúng ta là thiếu chương trình dựa trên cơ sở thực hành, học sinh chỉ học kinh tế qua sách vở là không đủ”.
Tiếp cận thực tiễn
Bà Dukhanina cũng cho rằng chiến lược này sẽ chỉ có tác dụng nếu trẻ em được thường xuyên tiếp cận với những người hoạt động kinh doanh thành đạt. “Những buổi học như thế cần phải diễn ra thường xuyên, ít nhất là mỗi năm 4 lần” - bà nhấn mạnh.
Ông Yaroslav Kabakov, giám đốc một trung tâm giáo dục, tỏ ra nghi ngờ ý tưởng biến các nhà tài phiệt Nga thành giáo viên vì cho rằng họ sẽ không muốn kể những câu chuyện thật về đời họ cho bất cứ ai, kể cả trẻ em. Tuy vậy, ông ủng hộ việc tăng cường giáo dục về tài chính ở các trường học. “Theo tôi, cần giải thích cho trẻ em về cơ chế hoạt động của hệ thống tài chính, tiền bạc vận hành ra sao… Điều đó sẽ giúp các em phân biệt các tổ chức tài chính thực sự với cách làm ăn gian dối” - ông bày tỏ.
Học kinh doanh từ nhỏ Một trong các dự án của trường tư thục Naslednik, do bà Lyubov Dukhanina thành lập, là Công ty Chứng khoán Trẻ em. Tại đây, học sinh học làm quen với cổ phiếu, cổ phần. Trong các khóa học về kinh doanh, học sinh còn có thể sáng tạo, phát triển và bảo vệ kế hoạch kinh doanh của mình. Kinh nghiệm trẻ thu lượm được trong các chương trình trên có thể giúp các em đạt thành công sau này. Bà Dukhanina tự hào nói: “Cựu học sinh của chúng tôi mở công ty riêng ở nhiều nước, như Nga, Mỹ, Canada và Pháp”. |
Bình luận (0)