TESS, chiếc tàu vũ trụ mang siêu kính viễn vọng không gian, làm nhiệm vụ săn tìm các ngoại hành tinh có khả năng sống được, vừa bắt được một vật thể thiên văn hoàn toàn mới gọi là "vi tân tinh" - "micronova".
"Vi tân tinh là những sự kiện cực kỳ mạnh mẽ, nhưng có quy mô nhỏ đối với quy mô thiên văn" - tờ Sci-News trích dẫn kết luận của nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Simone Scaringi từ Đại học Durham (Anh).
Ngôi sao lùn trắng (vật thể màu trắng nhỏ) đã tạo ra các vi tân tinh phun ra từ 2 cực sau khi bội thực vì "hút máu" người bạn đồng hành là sao khổng lồ đỏ - Ảnh: ESO / M. Kornmesser / L. Calçada.
Nhóm nghiên cứu cho hay họ đang phân tích dữ liệu từ TESS thì phát hiện 3 chùm sáng chói lòa đến từ 3 hệ sao đôi TV Columbae, EI Ursae Majoris và ASASSN-19bh. Các chùm sáng chính là các vi tân tinh.
Hai vi tân tinh đến từ các sao lùn trắng đã biết, TV Columbae và EI Ursae Majoris, nhưng vi tân tinh thứ ba, ASASSN-19bh, cần nhiều quan sát hơn với thiết bị X-Shooter trên Kính viễn vọng Very Large (VLT) của ESO để xác nhận tình trạng sao lùn trắng của nó.
Vi tân tinh thể hiện trong dữ liệu kính viễn vọng như những chùm tia quang học chói lọi kéo dài trong vài giờ. Nó xảy ra ở các cực từ của sao lùn trắng, nơi hydro được tích trữ. Nguyên nhân là các sao lùn trắng này trước đó đã có hành vi "ma cà rồng", hút máu người bạn đồng hành. Thỉnh thoảng chúng bị quá tải và tạo ra các vụ nổ nhỏ - chính là vi tân tinh.
Sự kiện này rất mạnh mẽ nhưng nhỏ hơn nhiều siêu tân tinh - là vụ nổ cuối đời xé toạc sao lùn trắng. Sao lùn trắng chính là một dạng xác chết sao, được tạo ra sau khi một ngôi sao giống Mặt Trời cạn năng lượng, sụp đổ sau một thời gian bị trương phình thành sao khổng lồ đỏ.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Bình luận (0)