Cách đây hơn 1 thập kỷ, chiếc F-22 Raptor đầu tiên được biên chế trong quân đội Mỹ. Thế hệ máy bay tiêm kích siêu đắt đỏ này (trị giá 400 triệu USD/chiếc) được tham gia chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Iraq và Syria, trong khi phải đứng ngoài các cuộc xung đột trước đây ở Iraq, Afghanistan và Libya.
Theo lực lượng không quân Mỹ, tháng 9-2014, những chiếc F-22 “hoạt động thường xuyên” trong chiến dịch chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, thả hơn 200 quả bom vào các mục tiêu ở 150 phi vụ.
“Chúng tôi thường tấn công trại huấn luyện, cơ sở lưu trữ thiết bị nổ, mỏ dầu… của IS” – đại úy Joseph Simms của Không quân Mỹ nói với đài ABC News. Nhưng có một điểm bất hợp lý là ngay từ đầu, F-22 đã không được thiết kế để thực hiện những nhiệm vụ như vậy và Không quân Mỹ cũng thừa nhận không nhất thiết phải dùng thế hệ tiêm kích hiện đại này… chỉ để thả bom.
Tuy nhiên, người phát ngôn Không lực Mỹ, thiếu tá Tim Smith, biện hộ rằng “F-22 là một trong các thiết bị quân sự tuyệt vời có thể sử dụng để không kích với độ chính xác cao”.
Phi đội Raptor – tiêu tốn khoảng 80 tỉ USD của Lầu Năm Góc - được thiết kế và phát triển vào cuối những năm 1980 và 1990, mục đích đối chọi với các phi đội hiện đại đến từ Nga và Trung Quốc chứ không phải để tấn công al-Qaeda, Taliban và IS, những tổ chức khủng bố được đánh giá có trang bị và đào tạo chưa đủ tầm làm đối thủ.
Năm 2011, Thượng nghị sĩ John McCain thẳng thắn tuyên bố F-22 sẽ không bao giờ được nhìn thấy trong một phi vụ chiến đấu thực sự như mục đích ban đầu vì các mối đe dọa tương tự “không còn tồn tại”.
Hồi tháng 7 năm ngoái, một chỉ huy của Không lực Mỹ vớt vát “thể diện” cho F-22 bằng nhận xét: “F-22 có thể sử dụng khả năng tàng hình của nó để hoạt động sát sườn tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu không phải của liên minh mà ít có nguy cơ bị phát hiện. Vũ khí trang bị trên F-22 có độ chính xác rất cao ngay cả bắn từ khoảng cách xa”.
Ông McCain hôm 19-2 cũng ca ngợi F-22 đã thể hiện tính linh hoạt không thể phủ nhận với vai trò kiềm chế máy bay chiến đấu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, tên lửa đất đối không của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và mục tiêu IS.
Nhưng sau cùng, Không lực Mỹ đang tìm giải pháp thay thế F-22 bằng F-16, F-35 Lightning… để phù hợp nhiệm vụ tấn công không đối đất cũng như chi phí tiết kiệm hơn.
Bình luận (0)