Trong cuộc họp báo thường niên diễn ra vào tháng 12-2017, một phóng viên hỏi Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng liệu căng thẳng leo thang trong quan hệ với Mỹ và sự sụp đổ của các hiệp định kiểm soát vũ khí có đẩy Nga vào cuộc chạy đua vũ trang quá sức. "Chúng ta sẽ bảo đảm an ninh mà không cần chạy đua vũ trang" - ông Putin trả lời, viện dẫn khoảng cách lớn về ngân sách quốc phòng của Mỹ và Nga.
Đó là một câu trả lời đơn giản từ một chính trị gia đang bắt đầu chiến dịch tranh cử. Câu hỏi trực diện hơn nên được đặt ra là với ngân sách quân sự tương đối nhỏ - khoảng 2.770 tỉ rúp (tương đương 42,3 tỉ USD) - trong năm 2018, làm thế nào để Nga vẫn là một đối thủ quân sự đáng gờm so với Mỹ, nước vừa đề xuất ngân sách quốc phòng 692,1 tỉ USD cho tài khóa 2018?
Năng lực răn đe hạt nhân ngang bằng giúp 2 nước tránh được cuộc đối đầu trực tiếp. Gạt điều này sang một bên, ông Putin có thể hiểu bản chất của những thách thức quân sự hiện đại rõ hơn Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lập pháp Mỹ. Cần ghi nhận rằng Moscow hiện gần có vị thế ngang với Washington ở Trung Đông, nơi quân đội Nga coi như giúp Tổng thống Syria Bashar Al-Assad giành chiến thắng trước phe nổi dậy nhận được sự hỗ trợ của Mỹ trong cuộc nội chiến. Cùng lúc đó, chi tiêu quân sự của Nga có thể nhiều hơn những gì được công bố chính thức.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), Washington đã chi ít nhất 2.000 tỉ USD cho các cuộc chiến kể từ năm 2001. Tuy nhiên, nếu tính đến những khoản chi tiêu ít rõ ràng hơn, như tiền dành để chăm sóc cựu chiến binh..., số tiền này có thể lên đến gần 4.000 tỉ USD. Riêng cuộc xung đột ở Afghanistan khiến Mỹ tốn ít nhất 840 tỉ USD. Từ năm 2018, ngân sách quốc phòng Mỹ có thêm khoản chi cho việc triển khai 3.500 binh sĩ tới Afghanistan.
Binh sĩ Nga duyệt binh ở Quảng trường Đỏ hồi tháng 5-2017 Ảnh: REUTERS
Những cuộc chiến hiện nay không đòi hỏi quá nhiều tiền. Kẻ thù chủ yếu là những lực lượng nhỏ, cơ động và không có nguồn lực mạnh như một quốc gia. Chiến đấu chống lại họ đòi hỏi sự kết hợp của kiến thức về địa phương, ra tay mạnh mẽ vào những thời điểm quan trọng của cuộc xung đột và khả năng chuyển rủi ro đến những tay súng không chính quy.
Yabloko, đảng đối lập Nga, hồi đầu năm ngoái cho biết chiến dịch quân sự của Moscow ở Syria (bắt đầu từ tháng 9-2015) tốn khoảng 140,4 tỉ rúp (2,4 tỉ USD). Con số này chỉ chiếm khoảng 4% ngân sách Mỹ phân bổ cho các hoạt động quân sự bất ngờ ở nước ngoài trong năm 2017 nhưng Nga vẫn đạt được kết quả tốt như kỳ vọng.
Mỹ đang bơm tiền để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Tuy nhiên, một cuộc chiến như vậy khó có thể xảy ra vì các kho vũ khí hạt nhân hiện có và sự phổ biến hạt nhân trái phép. Ngay cả Triều Tiên - quốc gia được cho là đang sở hữu khả năng hạt nhân chưa mạnh mẽ - cũng đủ nguy hiểm để ngăn Mỹ tấn công. Tại cuộc họp báo nói trên, ông Putin nói Mỹ không thể biết chắc phải tấn công nơi nào ở Triều Tiên và nếu chính quyền ông Kim Jong-un sở hữu được tên lửa tầm xa trang bị hạt nhân thì hậu quả sẽ rất thảm khốc.
Theo nghiên cứu, ngân sách quốc phòng Mỹ đang nuôi một ngành công nghiệp nội địa lớn mạnh. Chỉ cần Mỹ can thiệp gián tiếp vào một cuộc xung đột cũng đủ làm tăng giá cổ phiếu của các nhà thầu quốc phòng lớn. Còn tại Nga, các nhà thầu quốc phòng lớn nhất chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước. Một số quyết định mua sắm của quân đội không vì mục đích phòng vệ mà nhằm phục vụ hoạt động triển khai tại các khu vực. Điều này phần nào giúp giảm tình trạng chi tiêu lãng phí trong lĩnh vực công nghiệp quân sự đang phụ thuộc vào ngân sách, cũng như cho thấy Moscow tập trung chi tiêu cho các chức năng liên quan đến quân sự nhiều hơn Washington.
Đề xuất ngân sách của ông Donald Trump phân bổ 71,8 tỉ USD cho Bộ An ninh Nội địa và Bộ Tư pháp. Nếu cộng luôn con số này với chi tiêu quốc phòng (692,1 tỉ USD) nói trên, tổng ngân sách an ninh sẽ đạt 763,9 tỉ USD, chiếm chưa đến 19% ngân sách liên bang. Trong khi đó, Nga sẽ dành 29% ngân sách - khoảng 4.800 tỉ rúp (tương đương 85,63 tỉ USD) - cho cả quốc phòng và an ninh nội địa. Đó không phải là tất cả khoản chi tiêu liên quan đến an ninh. Ngay cả một số chi tiêu cho giáo dục và phát triển ở Nga cũng hướng đến mục tiêu quân sự.
Nga có thể chứng minh cho thế giới thấy việc chi tiêu hiệu quả về quân sự nhưng thay vào đó lại đang tham gia cuộc chạy đua vũ trang không có lợi cho sự phát triển của đất nước. Trong nhiều năm, Nga đã không tài trợ đầy đủ cho các lĩnh vực như giáo dục và y tế, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến những gì ông Putin mô tả về tầm nhìn đối với tương lai nước Nga - linh hoạt, được thúc đẩy bởi công nghệ, hiệu quả cao - tại cuộc họp báo cuối năm. Dựa vào những câu trả lời của nhà lãnh đạo Nga tại cuộc họp báo, dường như ông vẫn không muốn chú ý nhiều đến điều đó.
Bình luận (0)