Đài truyền hình Syria đưa tin 2 nhà lãnh đạo nhất trí "tiếp tục hợp tác ở mọi mức độ 2 nước quan tâm".
Thủ lĩnh tối cao Khamenei nói rằng thắng lợi về quân sự của 2 nước ở Syria là "ngón đòn dữ dội" đối với các kế hoạch của Mỹ trong khu vực.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) gặp gỡ thủ lĩnh tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh: REUTERS
Chính quyền ông Assad đã giành lại thế thượng phong trong cuộc chiến tranh ở Syria với sự yểm trợ của không quân Nga và các lực lượng Iran và Hezbollah ở Lebanon, giành lại mọi thành phố chính từ tay quân nổi dậy và phiến quân được các nước phương Tây và Ả Rập ở vùng Vịnh hậu thuẫn.
Các tay súng Shiite được Iran hậu thuẫn đã mở rộng quyền kiểm soát đối với các khu vực chủ yếu người Sunni sinh sống chung quanh Damascus, miền Nam và miền Đông Syria - nơi đã hứng chịu những trận bom khốc liệt và dẫn đến tình trạng di dân ồ ạt sang các nước láng giềng.
Tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran ở Syria, nơi Tehran ký được những hợp đồng về kinh tế và thương mại, cũng đã làm gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự với Israel.
Israel - xem Iran là mối đe dọa lớn nhất của mình - đã nhiều lần tấn công các mục tiêu Iran ở Syria và các mục tiêu của các phiến quân đồng minh của Iran, trong đó có Hezbollah.
Đài truyền hình Syria trích dẫn lời Tổng thống Assad cho biết bất kỳ sự leo thang của các cường quốc phương Tây sẽ không ngăn chặn được Iran và Syria bảo vệ quyền lợi của riêng họ.
Truyền thông Iran đưa in thủ lĩnh tối cao Khamenei khen ngợi ông Assad là vị anh hùng đã củng cố khối liên minh giữa Iran, Syria và Hezbollah.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: ABC NEWS
Trong khi đó, một diễn biến khác, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cuối ngày 25-2 đã bất ngờ từ chức, đồng thời nói "lời xin lỗi" với cả nước trong khi thỏa thuận hạt nhân do ông thương lượng với các cường quốc trên thế giới đang bên bờ vực sụp đổ sau khi Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận này.
Nếu chấp nhận sự từ chức của ông Zarif, Tổng thống Hassan Rouhani sẽ mất đi một trong những đồng minh chính trong việc thúc đẩy Iran tiếp tục thương lượng thêm nữa với phương Tây.
Hiện vẫn chưa rõ vì sao ông Zarif lại chọn phương án rời khỏi chức vụ lúc này và động thái đó sẽ có ảnh hưởng ra sao đối với thỏa thuận hạt nhân. Nhiều khả năng ông này đã trao đổi với thủ lĩnh tối cao Khamenei trước khi đưa ra quyết định từ chức.
Ông Khamenei là người cuối cùng phát biểu về mọi vấn đề của quốc gia, trước đây đã từng hậu thuẫn ông Zarif - nhân vật học ở Mỹ - thông qua các cuộc thương lượng hạt nhân.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố: "Chính sách của chúng tôi không thay đổi - chế độ này phải cư xử như một quốc gia bình thường và tôn trọng nhân dân của mình".
Bình luận (0)