Quan hệ giữa Mỹ và Iran đang có dấu hiệu tăng nhiệt. Vào tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến đến Trung Đông trong nỗ lực vận động các lãnh đạo khu vực đối phó Iran, đồng thời trấn an các đồng minh rằng Washington không hoàn toàn rời khỏi đây sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ quyết định rút quân khỏi Syria.
Chuyến đi khác thường
Trang The Washington Free Beacon hôm 4-1-2019 dẫn lời một số quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ cho biết ông Pompeo sẽ thăm Jordan, Ai Cập, Bahrain, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar, Ả Rập Saudi, Oman và Kuwait trong chuyến công du từ ngày 8 đến 15-1. Số chặng dừng chân của ông Pompeo nhiều khác thường, qua đó báo hiệu chính quyền ông Trump nhận thức rõ tác động tiêu cực từ quyết định rút quân khỏi Syria.
Tàu khu trục mới Sahand của Iran có thể được triển khai hoạt động ở Đại Tây Dương Ảnh: AP
"Bất chấp những thông tin tiêu cực và không đúng sự thật liên quan đến quyết định Syria, chúng tôi sẽ không đi đâu hết. Ngoại trưởng Mỹ sẽ nhấn mạnh cam kết đó đối với khu vực và các đối tác. Ông còn nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì các mối quan hệ đối tác chủ chốt để giải quyết một loạt thách thức tại khu vực, như tình hình Syria, chiến sự ở Yemen…" - một quan chức ngoại giao Mỹ nói. Nỗ lực chống lại ảnh hưởng của Iran và "sự ủng hộ của Tehran dành cho các nhóm khủng bố" cũng đứng đầu chương trình nghị sự của ông Pompeo, quan chức này nói thêm.
Trước thềm chuyến công du, ông Pompeo hôm 3-1 cảnh báo Iran không được phóng tên lửa đẩy đưa vệ tinh lên không gian và cảnh báo những hậu quả kinh tế, ngoại giao nếu Tehran làm thế. Ông Pompeo cáo buộc loại "phương tiện phóng không gian (SLV)" mà Tehran dự định phóng trong những tháng tới có tích hợp công nghệ tên lửa đạn đạo và như vậy sẽ vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif lập tức bác bỏ cáo buộc chương trình không gian của mình là vỏ bọc cho hoạt động phát triển vũ khí.
Cơn đau đầu của Washington
Giới chức Mỹ gọi chính quyền Iran hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với khu vực và khẳng định 12 yêu cầu của Washington đối với Tehran vẫn không thay đổi. Mỹ và Iran đã leo thang khẩu chiến kể từ khi Tổng thống Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức) hồi năm 2015. Washington sau đó tái áp đặt trừng phạt lên các lĩnh vực ngân hàng và năng lượng của Tehran.
Đối mặt sức ép ngày càng tăng từ phía Mỹ, Iran đang đáp trả bằng cách mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng hải quân đến sân sau của Washington. Chuẩn đô đốc Touraj Hassani, Phó Tư lệnh Hải quân Iran, hôm 4-1 tuyên bố một đội tàu chiến nước này sẽ đến gần lãnh hải Mỹ ở Đại Tây Dương từ tháng 3-2019, trong đó có tàu khu trục mới và tiên tiến nhất có tên Sahand. Hãng thông tấn Iran IRNA dẫn lời ông Hassani cho biết do Đại Tây Dương khá xa nên sứ mệnh của đội tàu chiến Iran có thể kéo dài tới 5 tháng.
Trước đó, chuẩn đô đốc này hồi tháng 12-2018 cho biết Iran sẽ sớm triển khai 2-3 tàu chiến tham gia một sứ mệnh đến Venezuela. Theo Reuters, những động thái này nhằm đáp trả sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ ở vùng Vịnh. Tehran thậm chí còn dọa phong tỏa eo biển Hormuz ở vùng Vịnh để chặn tất cả tàu vận chuyển dầu qua đó.
Mỹ càng thêm đau đầu khi có thêm thông tin Nga sắp triển khai tên lửa hành trình tầm xa chính xác Kalibr đến Tây Đại Tây Dương. Trang The Washington Free Beacon hôm 4-1 dẫn lời một số quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Moscow đang trang bị Kalibr cho tàu chiến, tàu ngầm và dự định điều chúng đến tuần tra ở Đại Tây Dương, gần lãnh thổ Mỹ. Giới chức Mỹ lo ngại tên lửa mới này cho phép Moscow tấn công các thành phố ở bờ Tây Đại Tây Dương, trong đó có thủ đô Washington, bằng vũ khí truyền thống hoặc hạt nhân.
Bình luận (0)