Cuốn tiểu sử "Rising Star" mới xuất bản của tác giả David J. Garrow, người từng nhận giải Pulitzer cho cuốn tiểu sử về huyền thoại Martin Luther King Jr., đã soi rọi ánh sáng vào những mối quan hệ với những chi tiết ít ai biết tới này.
Tình yêu và định mệnh
Tác giả Garrow khắc họa ông Obama là một người ý thức rõ ràng về bản thân, một người đàn ông sớm tin rằng số phận của mình là làm những điều lớn lao và đã hy sinh tình cảm để theo đuổi mục tiêu.
Mỗi bước đi của người đàn ông này, từ sự hết mình với những hoạt động cộng đồng tới trường Luật Harvard và thậm chí cả lựa chọn người để yêu thương, đều không phải chỉ để phục vụ cho một cuộc đời mà là để hoàn thành một định mệnh.
Đây cũng là lần đầu tiên câu chuyện về bà Sheila Miyoshi Jager – người phụ nữ ông Obama từng chung sống, yêu thương ở Chicago và thậm chí đã mở lời cầu hôn nhiều năm trước khi gặp bà Michelle - được tiết lộ một cách sinh động nhất.
Cuốn tiểu sử "Rising Star" mới xuất bản của tác giả David J. Garrow. Ảnh: Washington Post
Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1995 của ông Obama mang tên “Dreams From My Father”, bà Jager - nay là giáo sư tại Đại học Oberlin - xuất hiện gần như vô hình chỉ với một chữ cái viết tắt trong phần nói về 2 người bạn gái cũ của ông Obama.
Theo tiết lộ của tác giả Garrow, mang trong mình dòng máu Hà Lan – Nhật Bản, bà Jager rất phù hợp với thế giới đa văn hóa của Obama, khiến họ trở thành "cặp đôi trời sinh".
Lúc bấy giờ, ông Obama bắt đầu nói về tham vọng chính trị của mình với các bạn bè, đồng nghiệp, được khơi nguồn cảm hứng từ Harold Washington, thị trưởng da màu đầu tiên của Chicago. Ông ôm mộng trở thành thị trưởng thành phố, thượng nghị sĩ Mỹ, thống đốc bang Illinois hay thậm chí trở thành tổng thống Mỹ.
Gia đình phản đối
Có điều, dù cùng nghiên cứu về nhân chủng học giống người mẹ không mấy gần gũi của ông Obama, bà Stanley Ann Dunham, song Jager lúc đó có vẻ không được lòng bà Dunham.
Theo trải lòng của bà Jager với tác giả Garrow, bà đã sớm nhận ra ông Obama là một người "có nhu cầu sâu sắc được yêu thương và ngưỡng mộ".
Bà mô tả quãng đời bên nhau giữa hai người như một kỷ niệm xa xôi, một "hòn đảo của riêng chúng tôi" mà ở đó Obama "phân chia rõ ràng giữa công việc và gia đình".
Hai người đã tới gặp gia đình hai bên và sớm bắt đầu bàn tới chuyện hôn nhân.
“Vào mùa đông năm 1986, khi chúng tôi gặp cha mẹ tôi, ông ấy đã hỏi cưới tôi” - bà Jager kể. Cha mẹ của người phụ nữ tài giỏi này lúc bấy giờ đã phản đối, hầu như không liên quan tới vấn đề sắc tộc, theo tiết lộ của một người bạn thân của gia đình.
Lo ngại hơn cả của gia đình là sợ Jager, kém ông Obama 2 tuổi, còn quá non nớt. “Chưa được đâu” - Jager đã nói với Obama. Dù vậy, cả hai vẫn ở bên nhau.
Ông Obama từng yêu và cầu hôn bà Sheila Miyoshi Jager trước khi gặp người phụ nữ ông cưới làm vợ là bà Michelle. Ảnh: perezhilton.com
Vào đầu năm 1987, khi ông Obama bước vào tuổi 25, Jager đã cảm nhận được sự thay đổi đáng kể. “Ông ấy trở nên rất tham vọng"- bà nói với tác giả Garrow. "Tôi nhớ rất rõ thời điểm xảy ra sự thay đổi này, tôi cũng nhớ rằng đúng dịp chúng tôi kỷ niệm một năm yêu nhau, ông ấy đã hướng tới mục tiêu trở thành tổng thống".
Linh cảm của định mệnh không phải điều gì đó bất thường ở những con người sẽ trở thành tổng thống (có thể bắt gặp điều này ở ông Bill Clinton). Thế nhưng, trong tình thế của ông Obama, vấn đề khá phức tạp. Tác giả Garrow viết rằng Obama tin ông đang nghe thấy "tiếng gọi" của số phận và tham vọng đó gắn liền với nhận thức rằng để đạt được mục tiêu trở thành tổng thống, ông phải hoàn toàn mang sứ mệnh là người Mỹ gốc Phi.
Tác giả cho biết đối với những chính trị gia da màu ở Chicago, kết hôn với một người không cùng là Mỹ gốc Phi có thể phải trả giá. Chẳng hạn như Richard H. Newhouse Jr., thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Phi nổi tiếng của bang Illinois, sau khi kết hôn với một phụ nữ da trắng đã thường xuyên bị xì xào rằng ông "nói về người da đen nhưng ngủ với người da trắng".
Hay trường hợp của bà Carol Moseley Braun, người từng là nữ thượng nghị sĩ Mỹ gốc Phi đầu tiên ở bang Illinois. Có chồng cũ là người da trắng, người phụ nữ này thừa nhận "cuộc hôn nhân liên chủng tộc thực sự hạn chế lựa chọn chính trị".
Cuộc tình giữa ông Obama và bà Michelle cũng được ca ngợi là một tình yêu đẹp. Ảnh: Time
Chủ đề về chủng tộc và chính trị không biết từ bao giờ đã lấn át những cuộc nói chuyện giữa cặp đôi Obama và Jager. “Việc kết hôn cứ bị trì hoãn mãi và lúc đó nó bị phủ bóng bởi nỗi khổ tâm của Obama về vấn đề trọng tâm của cuộc đời, đó là chủng tộc và định mệnh" - Jager nhớ lại.
"Quyết tâm giữ bản sắc người da màu của ông ấy có liên hệ trực tiếp tới quyết định theo đuổi sự nghiệp chính trị" - người phụ nữ trải lòng thêm.
Một người bạn thân của cặp đôi lúc đó kể lại rằng ông Obama đã vạch ra một lằn ranh rõ ràng, ông thừa nhận "nếu tôi hẹn hò với một cô gái da trắng, tôi sẽ không có chỗ đứng ở đây".
Thay đổi
Và nhiều người bạn vẫn chưa quên một kỉ niệm lạ lùng trong lần tụ tập tại khu nhà nghỉ hè khi cặp đôi Obama và Jager đã cực kỳ to tiếng về chủ đề này suốt cả buổi chiều. "Điều đó là sai, sai rồi. Đó không phải là lý do" - bạn bè nghe thấy Jager hét lên từ trong phòng.
Ảnh: Time
Tác giả Garrow viết ông Obama lúc đó rất quan tâm tới người yêu, thế nhưng ông cảm thấy mắc kẹt giữa người phụ nữ ông yêu và định mệnh mà ông biết dành cho chính mình chứ không phải ai khác.
Cuối năm 1988, chỉ vài ngày trước khi ông Obama chuyển tới Trường Luật Harvard, khi mối quan hệ giữa hai người gần như không còn đường cứu vãn, ông đã đề nghị Jager đi cùng và hai người kết hôn.
Bà Jager cho rằng quyết định được đưa ra lúc này có lẽ xuất phát từ sự tuyệt vọng chứ không phải niềm tin vào tương lai của hai người. Cùng lúc đó, bà Jager đang trên đường tới Hàn Quốc để làm luận án, bà cho rằng Obama muốn mình kết thúc sự nghiệp nghiên cứu để đi theo ông. Hai bên còn tranh cãi nhiều hơn và cuối cùng đường ai nấy đi.
Và tại Trường Luật Harvard, ông Obama đã sớm nổi bật và hình ảnh một tổng thống tương lai hiện lên rõ hơn. Ông gặp người phụ nữ của đời mình, Michelle Robinson khi tới làm thêm tại một công ty luật ở Chicago.
Bình luận (0)