Cái tên Nhóm Maute (MG) chỉ mới xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng Philippines cách đây 4 năm. Nguồn tin quân sự xác nhận Quân đội Philippines (AFP) từng đụng độ lần đầu với MG vào năm 2013 khi chúng tấn công một trạm kiểm soát an ninh ở TP Madalum, tỉnh Lanao del Sur.
Dây mơ rễ má
Lúc đó, MG có khoảng 100 tay súng. Quan trọng hơn, trong hàng ngũ nhóm phiến quân này có một số tay súng nước ngoài gốc Đông Nam Á vốn là đệ tử của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
MG là một tổ chức Hồi giáo cực đoan do 2 anh em Abdullah và Omar Maute thành lập năm 2012. Tên gốc của nhóm là Dawlah Islamaya (Nhà nước Hồi giáo) ở Mindanao. Mục tiêu của MG là thành lập một thể chế Hồi giáo ở Mindanao cai trị bằng luật Sharia hà khắc.
Dấu vết MG để lại sau khi AFP tái chiếm thị xã Butig ngày 30-11-2016 Ảnh: WN.com
Anh em nhà Maute vốn là thành viên của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF). Từ ngày MILF chấp nhận hòa đàm với chính phủ Philippines, họ tách riêng ra tiếp tục chiến đấu chống chính phủ như Abu Sayyaf (ASG), một tổ chức Hồi giáo cực đoan khác. Ngay từ đầu, MG được coi là một nhánh của Jemaah Islamaya, một tổ chức khủng bố Đông Nam Á ở Philippines.
MG và MILF đều đặt đại bản doanh tại Butig, một thị xã của tỉnh Lanao del Sur. Lãnh đạo 2 tổ chức này có quan hệ máu mủ với nhau. Cụ thể, anh em nhà Maute là bà con gần của Azisa Romato, vợ Alim Abdul Aziz Mimbantas - cố Phó Chủ tịch MILF.
Manh động, táo tợn
Theo người phát ngôn AFP, MG tích cực tuyển mộ trẻ em làm lính và chủ yếu sống bằng "nghề" bắt cóc tống tiền, bảo kê. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết MG sống nhờ ma túy nhưng nhóm này chứng tỏ có tham vọng lớn hơn nhiều. Năm 2016, MG đã tiến hành nhiều vụ tấn công táo tợn nhằm gây sự chú ý của quốc tế về sự hiện diện rất cụ thể của mình và các nhóm phiến quân Philippines trung thành với IS nói chung.
Ngày 20-2-2016, MG giao tranh dữ dội với AFP ở thị xã Butig. Trận đánh mở đầu với vụ tấn công của MG nhắm vào một tổ tuần tra của Sư đoàn 51 bộ binh và sau đó là doanh trại sư đoàn này. MG thành lập 3 cứ điểm trong thị xã. Tham gia trận chiến phía MG còn có một số tay súng nước ngoài.
AFP dùng thiết vận xa chở bộ binh đến Butig hỗ trợ Sư đoàn 51, đồng thời ra lệnh oanh kích MG bằng trực thăng vũ trang MD 520 Defender và pháo binh. Cuộc chiến kéo dài đến chiều tối 21-2. Theo AFP, 3 binh sĩ chính phủ đã thiệt mạng và 11 binh sĩ bị thương. Phía loạn quân có 20 tên bị giết. Cuộc chiến cũng khiến khoảng 2.000 người dân bỏ nhà "chạy giặc" tới các thành phố lân cận Marawi và Masiu. Phải mất 10 ngày, AFP mới đánh bật MG ra khỏi Butig hoàn toàn.
Ngay sau đó, nhiều nguồn tin khác nhau về số phận anh em nhà Maute rộ lên. Có tin nói Omar Maute bị giết tại trận nhưng cũng có tin rằng gã đã chạy thoát thân trước khi Butig thất thủ. Một số chuyên gia chống khủng bố tin rằng gã vẫn còn sống.
Tháng 4-2016, MG đã bắt cóc 6 công nhân một hãng cưa ở Butig. Vài ngày sau, chúng hành quyết 2 con tin. Video và hình ảnh phát tán trên Facebook cho thấy 2 nạn nhân mặc áo tù màu vàng như con tin IS ở Trung Đông. Họ bị cắt cổ theo kiểu IS với cáo buộc làm gián điệp cho AFP.
Tháng 8-2016, MG cướp một nhà tù ở Lanao del Sur, giải cứu 8 thành viên của nhóm và 20 tù phạm. Bộ máy tuyên truyền của IS tiết lộ một tổ chức khủng bố ngoại bang đứng sau vụ tấn công này. Thế nhưng, theo AFP, nghi phạm chính không ai khác ngoài MG.
Đêm 2-9-2016, các phần tử MG đánh bom chợ đêm TP Davao, miền Nam Philippines. Ít nhất 14 thường dân đã thiệt mạng và 70 người bị thương. Hơn 1 tháng sau, 3 người dính líu đến MG đã bị bắt. Lúc đầu, ASG đứng ra nhận trách nhiệm nhưng sau đó đã rút lại tuyên bố.
Đe dọa cả tổng thống
Ngày 26-11-2016, MG lại tấn công đánh chiếm Butig lần thứ 2 với 200 tay súng nhằm trả thù AFP. Qua hôm sau, khi tăng cường 100 phiến quân trang bị súng phóng lựu, MG chiếm tòa nhà hành chính của thị xã, thay cờ Philippines bằng cờ đen của IS.
MG còn chiếm thánh đường Hồi giáo chính của Butig và trường trung học lớn nhất ở trung tâm thị xã. Mọi con đường vào Butig bị phong tỏa, chỉ mở cửa cho phép người dân di tản với sự hợp tác đặc biệt của MILF. Qua ngày thứ 3, 17.000 người đã sơ tán khỏi Butig.
Trong những ngày chiếm đóng Butig, MG đã cài bom trước cổng Đại sứ quán Mỹ ở Manila. Chúng còn kích nổ bom tự tạo vào lực lượng bảo vệ tổng thống Philippines (PSG) và đoàn quân xa đi tiền trạm chuẩn bị cho chuyến kinh lý ở Marawi và Butig của ông Rodrigo Duterte, làm 7 nhân viên PSG và 2 quân nhân bị thương.
Ngày 30-11-2016, lực lượng AFP mới tái chiếm được Butig. Quân chính phủ cho hay thị xã vắng tanh như thành phố ma. Những tay súng MG đã rút lên núi.
Đáng chú ý, ngày 2-12-2016, MG rải truyền đơn đe dọa lấy đầu tổng thống Philippines và các tướng lĩnh AFP. Đáp lại, ngày 12-12-2016, phát biểu tại diễn đàn Wallace Business Forum Dinner, ông Rodrigo Duterte thách đố MG tấn công TP Marawi: "Vì họ (MG) dọa xuống núi hỏa thiêu Marawi, xin mời họ đến làm khách của chúng tôi. Chúng tôi sẽ đợi ở đó". Hơn 5 tháng sau, MG tấn công Marawi thật.
Từ phủ nhận đến thừa nhận
Từ khi MG thành lập vào năm 2013, chính quyền Philippines luôn phủ nhận mối đe dọa của IS ở nước này. Sau trận đánh ở Butig tháng 2-2016, cựu Tổng thống Benigto Aquino III vẫn khẳng định MG là một nhóm lính đánh thuê hoạt động như con rối để thu hút sự chú ý của những kẻ ủng hộ IS chứ thật sự IS không hề có mặt tại Philippines.
Tuy nhiên, sau khi Butig bị tấn công lần thứ 2, Tổng thống Rodrigo Duterte xác nhận MG có mối quan hệ với IS dù nhiều tướng lĩnh AFP vẫn khư khư giữ quan điểm rằng IS chưa hề thiết lập được mối quan hệ nào ở Philippines. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Delfine Lorenzana nhìn nhận MG có mối quan hệ khăng khít với ASG và nhóm này đã theo phe IS. Mãi đến ngày 28-11-2016, chính phủ Philippines mới chính thức thừa nhận MG có liên quan đến IS.
Kỳ tới: Jakarta lại dậy sóng khủng bố
Bình luận (0)