"Trong năm vừa qua, chúng tôi đã tha thiết tìm cách liên lạc với chính phủ Mỹ và cung cấp các giải pháp liên quan đến lo ngại của họ. Nhưng chính phủ Mỹ đã bỏ qua sự thật, không tuân thủ quy trình pháp lý cần thiết và cố gắng tự đưa mình vào các cuộc đàm phán giữa những doanh nghiệp cá nhân. Để đảm bảo các quy định luật pháp không bị vi phạm và công ty lẫn người dùng của chúng tôi được đối xử công bằng, chúng tôi xin thông báo chúng tôi sẽ khởi kiện để bảo vệ lợi ích của mình" - trích tuyên bố của ByteDance.
Ngoài vụ kiện, công ty ByteDance cũng đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là kế hoạch đóng cửa để giữ các nhân viên tại Mỹ của họ trong biên chế kể cả khi ứng dụng ngừng hoạt động ở nước này.
Kể từ năm 2019, giới chức Mỹ đã liên tục cáo buộc TikTok là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia. Vào ngày 6-8, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh nghiêm cấm mọi giao dịch với ByteDance để giải quyết "tình trạng khẩn cấp quốc gia", có hiệu lực trong vòng 45 ngày. Đến ngày 14-8, ông Trump lại ký thêm một sắc lệnh nữa buộc ByteDance phải bán TikTok trong vòng 90 ngày.
Công ty ByteDance sẽ kiện chính phủ Mỹ ra tòa. Ảnh: Xinhua
Tuy nhiên, tờ New York Times ngày 7-8 đưa tin ngay cả Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đã đánh giá rằng không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc can thiệp vào dữ liệu của TikTok hay sử dụng ứng dụng này để xâm nhập vào điện thoại của người dùng.
ByteDance lo ngại rằng do phạm vi sắc lệnh của Mỹ cực kỳ rộng và có nội dung không rõ ràng, công ty không thể đảm bảo đạt được một giải pháp được tất cả các bên chấp nhận trong thời hạn do chính phủ Mỹ đặt ra. Các nhân viên tại Mỹ của ByteDance cũng đang có kế hoạch đưa chính quyền Tổng thống Trump ra tòa vì sắc lệnh nói trên.
Nga tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc và Huawei
Hãng thông tấn Sputnik ngày 23-8 đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov thông báo Nga sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc và Huawei về công nghệ 5G. Trong khi đó, Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn các công ty nước ngoài hợp tác với tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc.
Trong phiên hỏi đáp tại một diễn đàn, ông Lavrov nhấn mạnh Nga không có ý định "noi gương" Mỹ, "nước chỉ đơn giản yêu cầu không hợp tác về 5G với Trung Quốc, đặc biệt là Huawei". Thay vào đó, bộ trưởng ngoại giao Nga nhấn mạnh nước này có hứng thú hợp tác với những nước khác để cùng phát triển và triển khai những công nghệ hiện đại.
Ông cũng lưu ý rằng Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần nhắc nhở Nga sẽ rơi vào tình thế xấu nếu "tụt lại phía sau trong việc phát triển công nghệ tiên tiến, dù là 5G hay trí tuệ nhân tạo".
Huawei bị Mỹ cho vào danh sách đen vì lo ngại khả năng tình báo Trung Quốc sẽ lợi dụng "cửa sau" của tập đoàn này để theo dõi người dùng. Hồi đầu tháng 8, Bộ Thương mại Mỹ tăng cường siết chặt giới hạn tiếp cận của Huawei với công nghệ Mỹ đồng thời bổ sung thêm hàng chục chi nhánh của công ty tại 21 nước vào danh sách đen kinh tế.
Bình luận (0)