Trong báo cáo công bố hồi tháng 3 qua, một nhóm chuyên gia y tế không hề nhắc đến sóng viba sau khi kiểm tra 21 nhân viên ngoại giao bị ảnh hưởng trở về từ Cuba.
Tuy nhiên, ông Douglas H. Smith, chuyên gia Trường ĐH Pennsylvania (Mỹ) và là người đứng đầu nhóm nói trên, giờ đây cho rằng sóng viba bị xem là "nghi phạm chính" trong vụ việc nói trên và nhóm nghiên cứu của ông ngày càng chắc rằng các nhân viên ngoại giao bị tổn thương não.
Một số chuyên gia khác cũng tin rằng những cuộc tấn công bằng sóng viba có thể giúp giải thích những triệu chứng mà các nhân viên ngoại giao mắc phải so với những "nghi phạm" tiềm tàng khác, như tấn công bằng sóng âm, nhiễm virus…
Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Havana - Cuba. Ảnh: Reuters
Họ cũng nhắc đến một hiện tượng kỳ lạ gọi là hiệu ứng Frey, được đặt theo họ nhà khoa học người Mỹ Allan Frey. Ông này từ lâu phát hiện rằng sóng viba có thể lừa bộ não để gây nhiễu loạn thính giác.
Đây không phải là lần đầu tiên sóng viba được nói đến như một vũ khí tiềm tàng. Thời chiến tranh lạnh, Washington lo ngại Moscow tìm cách biến bức xạ sóng viba thành thứ vũ khí kiểm soát tâm trí. Quân đội Mỹ gần đây cũng muốn phát triển loại vũ khí sóng viba có thể sử dụng trong chiến tranh tâm lý hoặc vô hiệu hóa kẻ tấn công.
Khi được hỏi về giả thuyết về sóng viba, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cuộc điều tra chưa xác định rõ nguyên nhân hoặc nguồn gốc các vụ tấn công.
Trong khi đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) từ chối bình luận về cuộc điều tra hoặc bất kỳ giả thuyết nào. Trong khi đó, nhóm nhà khoa học đang giúp chính phủ tìm hiểu vụ việc cho biết họ đang đánh giá các giả thuyết tiềm tàng, trong đó có sóng viba.
Ngay cả khi sóng viba được xác định là "thủ phạm", vẫn còn đó những câu hỏi chưa có lời giải, như ai sử dụng thứ vũ khí phi truyền thống này.
Trước mắt, vụ việc nói trên đang khiến quan hệ ngoại giao giữa Havana và Washington trở nên xấu đi sau khi phần nào nồng ấm thời chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Bình luận (0)