Tài khoản của ông Bannon đã bị gỡ và bị khóa vĩnh viễn vì vi phạm các quy tắc về chống kích động bạo lực, Twitter chia sẻ với trang tin TechCrunch. YouTube cũng đã gỡ tập phát sóng nêu trên với lý do tương tự nhưng vẫn cho phép kênh của ông Bannon hoạt động. Người phát ngôn YouTube Alex Joseph chia sẻ với báo The Guardian rằng kênh của ông Bannon đã bị "cảnh báo" lần 1 (sau 3 cảnh báo, kênh sẽ bị hủy).
Theo các nhóm giám sát, thuyết âm mưu và tin giả đang lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội trước khi bị gỡ bỏ. TikTok cũng đã trở thành nơi tin giả về bầu cử Mỹ 2020 được chia sẻ rộng rãi. Báo cáo của cơ quan truyền thông Media Matters for America (Mỹ) ghi nhận 11 trường hợp tin giả về bầu cử nhận được tổng cộng hơn 200.000 lượt xem vào ngày 4-11 trước khi bị TikTok xóa. Một ngày sau, họ phát hiện các đoạn video nói về thuyết âm mưu liên quan đến gian lận phiếu bầu nhận được hơn 200.000 lượt xem chỉ trong vài giờ, trước khi bị TikTok xóa vì vi phạm chính sách chống tin giả.
Một cuộc biểu tình của nhóm “Stop the Steal” tại TP Harrisburg, bang Pennsylvania, hôm 5-11 Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Các nền tảng mạng xã hội thời gian qua đối mặt với áp lực gia tăng về việc gỡ bỏ tin giả và nội dung nguy hại liên quan đến bầu cử Mỹ 2020. Facebook hôm 5-11 cũng đã xóa bỏ một nhóm ủng hộ Tổng thống Trump có tên gọi "Stop the Steal" (tạm dịch: Ngăn chặn ăn cắp bầu cử) với lý do "kích động bạo lực", sau khi nhóm này nhận được sự tham gia của hơn 350.000 thành viên chỉ trong vài giờ. Cáo buộc nhưng không cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng "Đảng Dân chủ đang âm mưu tước quyền và vô hiệu hóa phiếu bầu của Đảng Cộng hòa", nhóm này khuyến khích thành viên "ra tay để bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc bầu cử".
Về phần mình, Tổng thống Trump đối mặt với sự chỉ trích từ chính đảng của ông sau khi ông cảnh báo về gian lận phiếu bầu và nỗ lực "ăn cắp" bầu cử. Nghị sĩ Adam Kinzinger dường như đã cáo buộc Tổng thống Trump lan truyền tin giả khi khẳng định: "Nếu bạn có lo ngại chính đáng về gian lận, hãy trình chứng cứ lên tòa. Ngừng phát tán tin giả".
Trong khi đó, theo USA Today, các cuộc biểu tình của người ủng hộ Tổng thống Trump lẫn người ủng hộ ông Biden đã nổ ra đêm thứ ba liên tiếp vào tối 5-11 (giờ địa phương) tại các thành phố trên khắp nước Mỹ - trong đó có Detroit, Phoenix và Portland, để yêu cầu kiểm phiếu và ngưng kiểm phiếu. Tại TP Philadelpha, bang Pennasylvania, cảnh sát cho biết đã tiến hành điều tra thông tin một nhóm vũ trang lên kế hoạch tấn công Trung tâm Hội nghị Pennsylvania, nơi quá trình đếm phiếu đang được tiến hành.
Bình luận (0)