Ông Sung Kim đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc hội đàm 3 bên với những người đồng cấp Hàn Quốc Noh Kyu-duk và Nhật Bản Takehiro Funakoshi tại thủ đô Seoul - Hàn Quốc.
Đặc phái viên Mỹ nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng sẽ tiếp tục thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm vào Triều Tiên.
Chuyến thăm Hàn Quốc kéo dài 5 ngày của ông Sung diễn ra sau khi hội nghị của Ban Chấp hành trung ương Đảng Lao động Triều Tiên kết thúc vào tuần trước.
Tại cuộc họp, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi cả nước chuẩn bị cho khả năng đối thoại và đối đầu nhưng quan trọng hơn vẫn là đối đầu, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc kiểm soát sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố của ông Kim được xem là dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên để ngỏ khả năng đối thoại cũng như ngầm kêu gọi Washington có động lực cụ thể hơn để nối lại hoạt động ngoại giao hạt nhân với Bình Nhưỡng.
Đặc phái viên Mỹ Sung Kim hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Noh Kyu-duk và Nhật Bản Takehiro Funakoshi tại thủ đô Seoul - Hàn Quốc hôm 21-6. Ảnh: REUTERS
Sau cuộc hội đàm song phương với ông Noh trước đó cùng ngày, đặc phái viên Sung Kim tái khẳng định cam kết chung của hai nước trong việc theo đuổi phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên thông qua ngoại giao và đối thoại.
Về phía Hàn Quốc, đặc phái viên Noh nhấn mạnh Seoul sẽ tiếp tục đóng vai trò cần thiết để giúp sớm nối lại cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng thông qua sự phối hợp với Washington. Ông Noh bày tỏ mong muốn khôi phục cấu trúc mà trong đó mối quan hệ liên Triều và Mỹ - Triều Tiên củng cố lẫn nhau theo hướng hai bên cùng có lợi.
Trong cuộc hội đàm song phương giữa ông Noh và đặc phái viên Nhật Bản Funakoshi, hai bên nhất trí hợp tác song phương lẫn 3 bên giữa 3 nước là cần thiết cho hòa bình và sự ổn định khu vực, đặc biệt trong vấn đề đối phó với Triều Tiên.
Theo hãng tin Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Joe Biden trong hội nghị thượng đỉnh song phương vào tháng trước cũng nhất trí theo đuổi ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Các chuyên gia nhận định việc không xuất hiện những lời chỉ trích của Triều Tiên đối với Mỹ cho thấy sự sẵn sàng đàm phán của ông Kim. Ông Yang Moo-jin, giáo sư tại Trường ĐH Nghiên cứu Triều Tiên, cho rằng Triều Tiên dường như quyết định hướng tới việc nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ dù có khả năng Bình Nhưỡng sẽ thảo luận với Bắc Kinh về vấn đề thời gian và quy mô sự kiện.
Trong khi đó, ông Lim Eul-chul, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Trường ĐH Kyungnam (Hàn Quốc), cho rằng việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un công khai gửi thông điệp tới Mỹ được xem là sự thay đổi từ phía Bình Nhưỡng. Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan hôm 20-6 cho biết Washington đánh giá phát biểu của nhà lãnh đạo Triều Tiên là "tín hiệu thú vị" và chờ đợi liên lạc trực tiếp từ Bình Nhưỡng để bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán nào liên quan đến phi hạt nhân hóa.
Cùng ngày diễn ra chuyến thăm của đặc phái viên Mỹ tại Hàn Quốc hôm 21-6, Đại sứ Trung Quốc tại Bình Nhưỡng Li Jinjun đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Trung Quốc - Triều Tiên đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Trong bài báo được đăng trên tờ Rodong Sinmun nhân kỷ niệm 2 năm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bình Nhưỡng, ông Li cho rằng Trung Quốc và Triều Tiên nên mở rộng trao đổi khi quan hệ hai nước đang tiến tới một "điểm khởi đầu mới".
Theo hãng tin Yonhap, bài viết hiếm hoi của đại sứ Trung Quốc trên phương tiện truyền thông nhằm khẳng định mối quan hệ đồng minh với Triều Tiên trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang căng thẳng.
Bình luận (0)