Hãng tin AP cho biết nhóm tin tặc thực hiện vụ tấn công nói trên là CyberHunta. Vụ tấn công đã tiết lộ cố vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Vladislav Surkov, từng nhiều lần liên lạc với phe ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine.
Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine (UNSS) hôm 26-10 xác nhận các email là thật song các file đính kèm có thể đã bị chỉnh sửa. Phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, bác bỏ thông tin này và mô tả đó là một “trò hề”. Ông Peskov khẳng định cố vấn Surkov “không sử dụng email”.
Trong số email trên có một số được gửi từ nhà báo Nga Svetlana Babaeva và cô khẳng định tính xác thực của chúng với AP. Hãng tin này cũng kiểm tra và cho biết ít nhất một số trong những số điện thoại và địa chỉ email bị rò rỉ từng được sử dụng.
Các email được cho là của ông Surkov không được gửi hoặc nhận từ một tài khoản cá nhân, thay vào đó được sử dụng bởi văn phòng của ông Surkov và do các trợ lý của ông quản lý. Một email có nội dung bản quét hộ chiếu thuộc về ông Surkov, vợ và các con ông này.
Tổng cộng 2.337 email đã được công bố. Trong đó có các email do thủ lĩnh phe ly khai Denis Pushilin gửi tới ông Surkov, với nội dung về danh sách và chi phí cho hoạt động của một trung tâm báo chí ở Donetsk. Một email khác gửi từ văn phòng của tỉ phú Nga Konstantin Malofeev - người được cho là có liên hệ với phe ly khai, có chứa danh sách các “bộ trưởng” trong chính phủ ly khai.
Ngoài ra, một loạt email từ năm 2014 do Phó Chủ tịch Liên đoàn đấu vật Nga Georgy Bryusov gợi ý tạo ra một nhóm dân tộc sẵn sàng chiến đấu và đánh bại phong trào nổi dậy Maidan ở Ukraine. Không rõ ông Surkov có trả lời loạt email này hay không.
Ông Surkov là nhân vật nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Hồi đầu tháng này, ông tháp tùng Tổng thống Putin đến Berlin – Đức để hội đàm với các nhà lãnh đạo Đức và Pháp. Ông Surkov được xem là “kiến trúc sư chính” trong bộ máy chính trị Điện Kremlin.
Xung đột ở miền Đông Ukraine bùng phát từ tháng 4-2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Tới nay, cuộc chiến này đã giết hơn 9.600 người. Bản thỏa thuận hòa bình Minks ký kết năm 2015 đã thu hẹp quy mô giao tranh nhưng đụng đổ vẫn tiếp diễn.
Bình luận (0)