Ông Trump, người sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1, đã được khẳng định là người chiến thắng của cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tại phiên họp chung của Hạ viện và Thượng viện vào ngày 6-1 do Phó Tổng thống Joe Biden chủ trì.
Phiên họp đặc biệt này chính là bước cuối cùng trong quá trình bầu cử Tổng thống theo Hiến pháp Mỹ.
Hòm phiếu đại cử tri được di chuyển vào tòa nhà Hạ viện để Quốc hội kiểm đếm lại và công bố trong phiên họp chung của Thượng viện và Hạ viện. Ảnh: EPA
Tổng số phiếu đại cử tri cho các ứng viên ở cả 50 bang đã được Hạ viện chính thức xác nhận, theo đó ông Trump chiến thắng với 304 phiếu đại cử tri so với 227 phiếu đại cử tri của ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ngoài ra còn có 7 phiếu đại cử tri bầu cho các ứng viên khác.
Theo luật pháp Mỹ, 1 tháng sau cuộc bầu cử Tổng thống, các đại cử tri mới chính thức đi bỏ phiếu để quyết định chọn Tổng thống và số phiếu này sẽ được Quốc hội kiểm đếm và công bố vào đầu tháng 1.
Dù rằng các đại cử tri rất hiếm khi bỏ phiếu trái với cam kết ban đầu của mình, nhưng năm nay con số “đại cử tri bội tín” đã tăng kỷ lục.
Cụ thể, năm nay có đến 7 đại cử tri bỏ phiếu trái với cam kết ban đầu, một con số chưa từng thấy trong 150 năm qua. Hầu hết đó đều là các đại cử tri từng cam kết bỏ phiếu cho bà Clinton nhưng đã “bội tín” với bà để bầu cho ứng viên khác.
Ngoài ra còn có 2 đại cử tri bang Texas từ chối bỏ phiếu cho ông Trump mà thay vào đó họ bỏ phiếu cho Thống đốc John Kasich của bang Ohio và cựu nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ron Paul.
Phiên họp chung đặc biệt của lưỡng viện Quốc hội chính là cơ hội cuối cùng để các thành viên Quốc hội đưa ra ý kiến phản đối kết quả bầu cử. Các cơ quan tình báo Mỹ đã xác nhận rằng Chính phủ Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử bằng cách hack và phát tán các email của các thượng nghị sĩ Đảng dân chủ nhằm ngấm ngầm giúp ông Trump đắc cử. Tuy nhiên, ông Trump và các cố vấn vẫn phủ nhận chuyện này.
Một số dân biểu Đảng Dân chủ đã đưa ra ý kiến phản đối việc kiểm đếm phiếu đại cử tri ở Quốc hội nhưng đều không nhận được sự đồng thuận của các thượng nghị sĩ nên đã bị bác bỏ. Chỉ cần một thượng nghị sĩ ủng hộ ý kiến phản đối của các dân biểu Đảng dân chủ thì có thể sẽ phải diễn ra một cuộc tranh luận. Năm nay, điều đó đã không xảy ra.
Lần gần đây nhất ý kiến phản đối giờ chót có hiệu quả là vào năm 2005. Khi đó một số thượng nghị sĩ Đảng dân chủ đã phản đối các phiếu đại cử tri của bang Ohio. Nhưng sau khi tranh luận, cả thượng viện và hạ viện đều bác bỏ ý kiến phản đối này.
Bình luận (0)