Ông đã không có được công việc ở hàm bộ trưởng dưới thời Tổng thống Francois Mitterrand từ năm 1981 - 1995, cũng không có vai trò gì lớn khi Đảng Xã hội kiểm soát quốc hội giai đoạn 1997 - 2002. Đã vậy, ông còn là chứng nhân của 2 thất bại liên tiếp trên đường đua vào Điện Élysée của Đảng Xã hội: Lionel Jospin năm 2002 và Segolene Royal năm 2007.
Thế nhưng, ông Hollande đã tạo ra sự bứt phá ngoạn mục hôm 22-4 và đang tràn đầy hy vọng trở thành tổng thống. Đó là một thời khắc đáng chú ý, cả đối với cá nhân ông và đảng của ông. Chiến thắng sẽ đánh dấu chấm hết cho 3 thập niên ẩn mình dưới cái bóng của quyền lực, từ những ngày đầu tiên với tư cách là nhân viên của ông Mitterrand ở Điện Élysée đến 11 năm sau đó trong vai trò thủ lĩnh Đảng Xã hội.
Nhưng sau vụ tai tiếng tình dục của ông Strauss-Kahn hồi tháng 5 năm ngoái, ứng viên sáng giá nhất của Đảng Xã hội này đã không còn cơ hội thi thố với Tổng thống Nicolas Sarkozy. Cái tên Francois Hollande bắt đầu được nhắc đến. Và vào ngày 22-4, ông Hollande đã giành 28,6% số phiếu trong vòng đầu cuộc bầu cử, buộc ông Sarkozy - lãnh đạo đảng UMP trung hữu - phải bước vào vòng đua thứ 2 ở thế yếu hơn, điều hiếm khi xảy ra đối với các đương kim tổng thống.
Rơi vào thế khó, ông Sarkozy bắt đầu chiến dịch lôi kéo những người ủng hộ từ Đảng Mặt trận Dân tộc của bà Marine Le Pen, người về thứ 3 với tỉ lệ phiếu kỷ lục 18%. Nhưng tương lai của ông Sarkozy trong cuộc đua quyết định vào ngày 6-5 tới dường như không mấy sáng sủa. Tuy có quan điểm cực hữu nhưng sự ủng hộ mà cử tri dành cho bà Le Pen rất khác biệt, họ gồm cả thành phần cực hữu bài ngoại cũng như những người lao động cảm tình với cánh tả…
Các cuộc thăm dò dư luận ghi nhận một nửa số cử tri của bà sẽ mỉm cười với ông Sarkozy trong vòng 2, trong khi 1/3 của số cử tri còn lại dồn phiếu cho ông Hollande. Ngoài ra, ông Hollande sẽ còn nhận thêm phiếu của ứng viên cánh tả Jean-Luc Melenchon cũng như của ứng viên chủ trương ôn hòa, ông Francois Bayrou. Các cuộc thăm dò, vốn cho thấy tình cảm cử tri nghiêng về ông Hollande trong vòng 2, thì nay, theo tạp chí The Economist, cũng tiếp tục phản ánh điều đó bằng khoảng cách giữa 2 đối thủ mà không một ứng viên nào trước đây trong lịch sử nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp đã có thể đảo lộn được.
Nếu mọi thứ diễn ra đúng với nhận định của các nhà phân tích, ông Hollande sẽ có ít cơ hội nhấm nháp hương vị thắng lợi của mình. Bởi lẽ, ngay sau lễ nhậm chức ngày 16-5, ông dự kiến đến Berlin trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên (ông chưa từng gặp bà Thủ tướng Angela Merkel) trước khi bay đến một hội nghị của nhóm các nước phát triển G8 ở Trại David từ ngày 18 đến 19-5, rồi sau đó là hội nghị thượng đỉnh khối NATO ngày 20 và 21-5 ở thành phố Chicago (bang Illinois, Mỹ).
Ông Hollande sẽ lần đầu tiên đến các cuộc họp quan trọng này không chỉ như một người lạ mà còn như một người mang đến những tin xấu. Ông ấy sẽ nói với bà Merkel rằng ông muốn “đàm phán lại” hiệp ước tài chính mà bà luôn giữ trong lòng như hòn đá tảng cho sự ổn định của khu vực sử dụng đồng euro. Ông ấy cũng sẽ nói với Tổng thống Barack Obama rằng Pháp sẽ rút quân ra khỏi Afghanistan vào cuối năm 2012, trước lịch trình một năm…
Và sẽ còn nữa những bất ngờ khác - cả thú vị và đắng chát - sau khi cánh cửa Điện Élysée mở ra với Francois Hollande. Hãy chờ xem!
Bình luận (0)