Theo báo cáo của tỉnh ở phía Đông Nam Trung Quốc này, chiến dịch xóa đói giảm nghèo trong 4 năm qua đã giúp 2,54 triệu người thoát nghèo theo tiêu chí của tỉnh.
Trong hơn 80 triệu dân của tỉnh hiện chỉ có 17 người sống dưới mức nghèo khổ, có mức thu nhập dưới 6.000 nhân dân tệ (863 USD hay gần 20 triệu đồng)/năm. Nhà chức trách Giang Tô cho biết những người này đều có khả năng làm việc, dù 4 người bị bệnh.
Nhiều người bày tỏ hoài nghi về các số liệu trên cũng như thành công đáng kinh ngạc của chiến dịch chống đói nghèo tại Giang Tô. "Tôi không tin điều đó. Cả tỉnh không có người thất nghiệp nào? Cũng không có ăn xin sao?" - một người bình luận trên mạng xã hội Weibo.
Một người vô gia cư trên đường phố Trung Quốc. Ảnh: CNA
"Làm thế nào họ có thể tính chính xác như vậy?" - một cư dân mạng khác thắc mắc. Một người mỉa mai: "Thật trùng hợp, tôi cũng là một trong 17 người đó đây", kèm dòng hashtag "Giang Tô chỉ có 17 người nghèo" trên Weibo. Có người đùa rằng "bạn biết đấy, cuối năm nay, mọi người đều khá giả".
Tính đến tối 7-1, hashtag vừa nêu đã nằm trong nhóm 3 chủ đề phổ biến nhất trên Weibo trước khi bị xóa. Số liệu ban đầu do người đứng đầu Văn phòng Xóa đói giảm nghèo tỉnh Giang Tô báo cáo trước Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh đã bị xóa khỏi trang web của tờ Tin tức buổi tối Dương Tử (do tỉnh này quản lý).
Nhiều cư dân mạng bày tỏ lo ngại rằng báo cáo về kết quả xóa đói giảm nghèo của Giang Tô là kết quả của "bệnh thành tích". Sau đó, chính quyền Giang Tô nói rằng số liệu thay đổi hằng ngày nhưng sai số không quá lớn.
Mức thu nhập sàn để xác định xóa nghèo của Trung Quốc là khoảng 576 USD/năm. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Giang Tô đi đầu trong việc hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo quốc gia và là một trong những tỉnh giàu nhất Trung Quốc, chỉ đứng sau Quảng Đông. Hiện Trung Quốc chưa công bố các số liệu chính thức của cả năm 2019 song chính phủ cho biết số người nghèo đã giảm xuống còn 16,6 triệu vào cuối năm 2018 và có thêm khoảng 10 triệu người thoát nghèo trong năm 2019.
Dù kinh tế Trung Quốc có những bước phát triển nhảy vọt những thập kỷ gần đây, nghèo đói không hề biến mất. Năm 2019, các nhà hảo tâm đã quyên góp gần một triệu nhân dân tệ cho một sinh viên phải nhập viện sau khi sống với 2 nhân dân tệ (gần 7.000 đồng)/ngày trong suốt 5 năm.
Hay câu chuyện năm 2018 kể một cậu bé đến trường với mái tóc phủ đầy băng giá. Được đặt biệt danh "tiểu Vương", câu chuyện của cậu bé cũng được lan truyền đến mức những người nước ngoài cũng quyên góp do họ xúc động trước sự sự kiên cường của cậu và cảm thấy sốc trước cảnh nghèo khó đó.
"Tiểu Vương" đến trường với mái tóc phủ đầy băng giá. Ảnh: PEOPLE’S DAILY
Thực ra, không có một định nghĩa chuẩn về "nghèo đói" ở Trung Quốc vì ngay cả các tỉnh cũng định nghĩa khác nhau. Một tiêu chuẩn quốc gia có vẻ được nhắc đến nhiều là thu nhập dưới 2.300 nhân dân tệ (tương đương 7,6 triệu đồng)/năm. Theo tiêu chuẩn đó, có khoảng 30 triệu người sống trong nghèo đói trên toàn Trung Quốc vào năm 2017.
Nhưng nhiều tỉnh đã nâng mức chuẩn nghèo của họ - như trường hợp của Giang Tô là mức 6.000 nhân dân tệ. Con số 6.000 nhân dân tệ/năm hay 2,40 USD (khoảng 55.600 đồng)/ngày còn cao hơn mức nghèo đói quốc tế do Ngân hàng Thế giới định nghĩa là 1,90 USD.
Kể từ khi hội nhập nền kinh tế toàn cầu vào những năm 1990, Trung Quốc đã chứng kiến tỉ lệ nghèo đói giảm xuống và chính phủ hy vọng sẽ xóa được cảnh bần cùng vào năm 2020.
Bình luận (0)