xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tình hình ở biển Đông sẽ nóng bỏng tại ARF

TƯỜNG MINH

Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói việc tìm ra một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc ở những vùng biển tranh chấp là mục tiêu quan trọng bậc nhất của ASEAN

Các quốc gia Đông Nam Á nên dành ưu tiên hàng đầu để làm dịu căng thẳng với Bắc Kinh trên biển Đông - Thủ tướng Campuchia đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 45 ở Phnom Penh hôm 9-7.

Theo nhật báo The Inquirer của Philippines, những căng thẳng leo thang gần đây ở biển Đông với việc cả Việt Nam và Philippines cáo buộc Trung Quốc có cách hành xử hung hăng. Manila đang đi đầu thúc đẩy ASEAN đoàn kết để thuyết phục Trung Quốc chấp nhận một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông nhưng Bắc Kinh muốn tiếp cận riêng từng nước để giải quyết tranh chấp.

img

Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45. Ảnh: TTXVN

Khi các bộ trưởng ngoại giao gặp nhau tại thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen nói việc tìm ra một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc ở những vùng biển tranh chấp là mục tiêu quan trọng bậc nhất đối với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Căng thẳng ở biển Đông hứa hẹn trở thành vấn đề nóng bỏng trong các cuộc họp, đặc biệt khi Ngoại trưởng Hillary Clinton và người đồng nhiệm Trung Quốc tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) diễn ra ngày 12-7.

Trong phát biểu khai mạc, ông Hun Sen đề nghị các đại biểu tập trung suy nghĩ, hướng đến một bộ quy tắc ứng xử trên biển để có thể đưa ra những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết một loạt vụ việc phức tạp liên quan đến yêu sách lãnh thổ của một số nước thành viên. Ông nói ASEAN nên tỏ rõ tổ chức này là “động lực cho việc xúc tiến đối thoại và hợp tác” về những vấn đề chính trị và an ninh.

Nhà lãnh đạo Campuchia, quốc gia hiện là chủ tịch luân phiên của ASEAN, cho rằng “duy trì hòa bình và ổn định khu vực là tối cần thiết cho sự thịnh vượng của khối”.

Theo The Inquirer, các nhà ngoại giao hàng đầu tham dự các hội nghị ở Campuchia nói rằng ASEAN vẫn tranh cãi về cách tiếp cận vấn đề mà không gây khó chịu đối với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại quan trọng của nhiều nước ASEAN.
Một nhà ngoại giao không muốn nêu tên nói ASEAN còn phải đồng thuận về việc có nên đề cập những ồn ào mới đây giữa Trung quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough trong một tuyên bố chung hay không. Và một tuyên bố khác, được đưa ra vào cuối hội nghị ARF mở rộng, dự kiến đề cập vấn đề biển Đông trong những thuật ngữ chung, theo một nhà ngoại giao khác.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm 8-7 hối thúc các bên sớm đạt tiến bộ về bộ quy tắc ứng xử trên biển. Sự đối đầu mang tính chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh được cho là sẽ nổi bật hơn tại hội nghị, theo sau việc Mỹ mở rộng quan hệ quân sự với một số nước ASEAN. Nhưng các nhà quan sát dự đoán bà Clinton sẽ không để xảy ra bất cứ va chạm nào với Trung Quốc và có thể ít “lớn tiếng” hơn về những tranh cãi trên biển so với trước đây.

Quan ngại về diễn biến ở biển Đông

Sau phiên khai mạc sáng 9-7 ở Phnom Penh, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 45 với sự tham dự của các đoàn đại biểu đến từ 10 nước thành viên đã tập trung thảo luận các nội dung ưu tiên quan trọng của ASEAN và khu vực.

Về biển Đông, nhiều bộ trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên biển Đông đối với hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực, đặc biệt là những diễn biến phức tạp, gây phương hại đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển, trái với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).
Theo đó, các bộ trưởng nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng vũ lực, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 và tinh thần DOC; các nước cần tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, phù hợp với UNCLOS 1982. Các bộ trưởng đánh giá cao việc ASEAN đã cơ bản hoàn tất tài liệu quan điểm về các thành tố chính của Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), để từ đó khởi động tham vấn ASEAN - Trung Quốc về COC.
Theo TTXVN, Bộ trưởng Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình diễn biến phức tạp xảy ra gần đây trên biển Đông; nhấn mạnh lập trường của Chính phủ Việt Nam phản đối việc Trung Quốc phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo UNCLOS 1982.
Các vụ việc này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS 1982 và trái với tinh thần DOC, gây phương hại đến hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực...
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo