Trên những cánh cổng ra vào làng Đại An Lưu (Trung Quốc) gần đây xuất hiện quy định mới về việc hạn chế giá trị lễ vật mà chú rể tương lai mang tới nhà gái.
Thừa nam
Giá trị các món sính lễ ngày nay vào khoảng 260.000 nhân dân tệ (NDT, tương đương hơn 880 triệu đồng) hay gấp 5 lần lương trung bình hằng năm tại Đại An Lưu - ngôi làng cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 4 giờ lái xe. Nay nhà trai được quy định không chi quá 20.000 NDT. Nếu vượt khung sính lễ đó, gia đình chú rể có nguy cơ bị cáo buộc buôn người.
Sính lễ vốn là một phần trong phong tục cưới hỏi suốt nhiều thế kỷ qua ở hầu hết các vùng Trung Quốc. Đó có thể là tiền mặt, nhà hay những lễ vật khác mà chú rể "cống nạp" cho cha mẹ cô dâu. Tuy nhiên, lễ vật đính ước hôn nhân ngày càng nở nồi khi Trung Quốc đương đầu với tình trạng mất cân bằng nhân khẩu học thuộc hàng tồi tệ nhất lịch sử. Một phần vấn đề này từ lâu đã được biết tới: Chính sách một con thực thi trong thời gian dài gây ra tình trạng dư thừa bé trai, bởi phần lớn gia đình ở Trung Quốc đều muốn có con nối dõi.
Ước tính số nam giới ở Trung Quốc nhiều hơn nữ giới khoảng 30 triệu người, tạo ra mức chênh lệch thuộc hàng lớn nhất trên thế giới. Sự phát triển kinh tế trong thập niên qua càng khiến tình trạng mất cân bằng giới thêm nhức nhối ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Nhiều cô gái rời bỏ quê nhà để theo đuổi điều kiện giáo dục tốt hơn cũng như những công việc được trả lương cao hơn trong thành phố.
Phần lớn một khi đã ra đi đều không trở lại những ngôi làng nhỏ như Đại An Lưu, nơi người dân quanh quẩn với công việc trồng lê hay làm công nhân cho một số nhà máy nhỏ lẻ trong vùng. Thế nên, giới chức ở Đại An Lưu và nhiều ngôi làng khác chủ động ra tay với một vấn đề mà họ cho rằng có thể kiểm soát được: sính lễ cưới hỏi.
Chính quyền một số địa phương muốn khuyến khích cư dân lập gia đình và sinh con đẻ cái. Tuy vậy, gánh nặng sính lễ từ lâu đã cản đường nhiều cặp đôi muốn về chung một nhà. Có điều, nỗ lực thay đổi ít nhiều mang mục đích tốt này có thể gây chia rẽ. Quy định kiểm soát lễ vật giúp trút bớt gánh nặng cho những gia đình có con trai. Còn đối với những gia đình có con gái, đây rõ ràng chẳng phải tin vui.
Ông Lương, một nông dân trồng lê ở Đại An Lưu, quả quyết: "Khi con gái tôi lấy chồng, tôi sẽ đòi bao nhiêu mình muốn. Nếu không sẽ chẳng công bằng". Ông khẳng định đây thực sự không phải chuyện tiền bạc, ông đã định sẽ đưa số sính lễ của nhà trai cho người con gái độc nhất khi cô lập gia đình. Đối với người cha này, "ra giá" sính lễ là nguyên tắc bất di bất dịch. Ông không muốn tiết lộ tên tuổi đầy đủ khi bàn luận về vấn đề gia đình nhạy cảm với báo The Washington Post. "Đó là thị trường. Tôi được phép ra giá cho những trái lê của mình. Tại sao với con gái, tôi lại không được?" - ông Lương nói.
Sính lễ vốn là một phần trong phong tục cưới hỏi suốt nhiều thế kỷ qua ở hầu hết các vùng của Trung Quốc Ảnh: EPA
Đối phó
Theo chuyên gia về nhân khẩu học Khương Toàn Bảo tại Trường ĐH Giao thông Tây An, ở các vùng xa xôi hẻo lánh, sính lễ đám cưới có thể gấp hàng chục lần thu nhập hằng năm. Để cưới vợ cho con trai, nhiều gia đình có thể rơi vào cảnh túng quẫn. Cũng chính vì gánh nặng đó, nhiều nam giới ở các khu vực nghèo khó hầu như không còn hy vọng tìm được bạn đời.
Ông Lương Hoa Bân, Bí thư Đại An Lưu, cho biết ông đã chứng kiến cách các gia đình trong làng tằn tiện, chắt bóp và sống trong sợ hãi vì sính lễ. "Họ nói rằng đó là một việc quá khó khăn, đặc biệt là từ khi mùa lê không được như ý trong vài năm trở lại đây" - ông Lương chia sẻ.
Quan chức này không biết giải bài toán trên như thế nào cho tới khi một đồng nghiệp gửi cho ông bức ảnh về quy định hạn chế sính lễ ở một ngôi làng khác ở tỉnh Hồ Nam, phía Nam Trung Quốc. Ông Lương quyết định áp dụng thử dù biết không thể làm gì nhiều để thực thi một luật lệ như vậy. Tuy nhiên, ông hy vọng mọi người cuối cùng sẽ suy ngẫm lại. "Rất khó để luật lệ này phát huy tác dụng ngay lập tức. Nhưng dần dần mọi người có thể hiểu ra" - ông nói. Vị bí thư này có 2 cháu gái và ông dự định sẽ khuyến khích cha mẹ chúng yêu cầu sính lễ "nhẹ tay" khi các cháu tới tuổi cập kê.
Đối với cô Đàn Lực Thuần, những nỗ lực của ông Lương Hoa Bân khiến cô không khỏi cảm kích. Người phụ nữ 39 tuổi này mở một quán rượu nhỏ trong làng. Cô có một con trai 16 tuổi, dự định cưới vợ cho con khi nó tốt nghiệp trung học và có việc làm. Dành dụm tiền sính lễ đã trở thành nỗi lo đè nặng nhiều năm qua của gia đình. Cô phải xoay xở mở thêm quán rượu thứ hai trong khi chồng cô cũng làm việc không ngơi nghỉ mà vẫn không chắc có đủ tiền sắm sính lễ cho con trai cưới vợ hay không!
Quy định "tinh gọn sính lễ" có thể phần nào làm dịu bớt cơn ác mộng của những gia đình như cô Đàn nhưng chính người mẹ này cũng không tin lắm vào hiệu quả của nó giữa lúc không có nhiều cô gái trẻ ở địa phương. "Luật lệ là luật lệ nhưng ai sẽ chịu nghe theo? Nếu ai cũng tuân thủ luật lệ này, kết quả sẽ là chẳng còn cô gái nào để kết hôn" - cô Đàn cám cảnh.
Nhà xã hội học Vương Phương, người nghiên cứu nhân khẩu học Trung Quốc tại Trường ĐH California ở Irvine (Mỹ), cho rằng đang tồn tại những áp lực xã hội khó tin ở Trung Quốc đòi hỏi các gia đình phải lo liệu hôn nhân đẹp đẽ cho con trai. Mọi người sẽ cố gắng tìm lối thoát, thậm chí cả việc giới hạn sính lễ. Theo ông, việc ban hành quy định, như hạn chế giá trị sính lễ, mới chỉ là biện pháp đối phó chứ chưa giải quyết gốc rễ vấn đề.
Bình luận (0)