Các quan chức Trung Quốc đang soạn bản dự thảo kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, trong đó đề ra các mục tiêu chính trị và kinh tế quan trọng cho giai đoạn 2021-2025. Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), Trung Quốc dự kiến sẽ dựa nhiều hơn vào kinh tế trong nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ trong thế giới thời hậu đại dịch Covid-19.
Bản hoàn chỉnh của kế hoạch sẽ không được công bố trước tháng 3-2021. Tuy nhiên, các nghiên cứu và thảo luận ban đầu cho thấy Trung Quốc sẽ tìm kiếm sự phát triển tự chủ hơn bằng cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung ứng công nghệ và xuất khẩu từ Mỹ. Cùng lúc đó, Bắc Kinh vẫn sẽ duy trì khuôn khổ chính sách mở cửa và cải cách nhằm duy trì vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là với các nước châu Á và châu Âu, đồng thời giảm thiểu rủi ro từ nguy cơ tách rời với Washington.
Ý tưởng trên đã nhận được sự ủng hộ tại cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra gần đây nhất. Khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh sẽ sử dụng mô hình phát triển mới, bao gồm cả hệ thống kinh tế nội địa và hệ thống kinh tế quốc tế, thay vì chỉ dựa vào các thị trường nước ngoài. Xu hướng này được thể hiện rõ trong kế hoạch mới công bố, theo đó, Trung Quốc sẽ chú trọng đầu tư những dự án công nghiệp tại các khu vực phía Tây và miền Trung trong bối cảnh các địa phương ở miền Đông bị tác động nặng nề bởi Covid-19.
Cảnh sát Hồng Kông được triển khai để đối phó người biểu tình phản đối dự luật an ninh quốc gia Trung Quốc dành cho đặc khu hành chính này hôm 24-5Ảnh: Reuters
Ngoài ra, theo dự thảo kế hoạch 5 năm nói trên, Trung Quốc còn muốn đạt được đột phá trong lĩnh vực công nghệ để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu. Đây là mục tiêu dễ hiểu trong bối cảnh Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ cao đến Trung Quốc và tung đòn trừng phạt Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei.
Những thông tin ban đầu về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 được hé lộ trong bối cảnh quốc hội Trung Quốc đang diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh. Sự hoành hành của đại dịch Covid-19 là một trong những vấn đề nóng tại sự kiện này. "Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến kinh tế, chính trị và an ninh quốc tế" - ông Xie Fuzhan, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), nhận định. CASS là một trong những cơ quan có tham gia tiến trình soạn thảo kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Riêng với Trung Quốc, Covid-19 đang đe dọa mục tiêu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế từ năm 2010 đến 2020. Quý I/2020 ghi nhận kinh tế Trung Quốc sụt giảm 6,8%, qua đó gần như chấm dứt hy vọng đạt mục tiêu là thu nhập bình quân đầu người tăng tối thiểu 6,5%/năm.
Quan hệ Trung - Mỹ cũng là một chủ đề được quan tâm nhiều tại kỳ họp quốc hội trong bối cảnh 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới này bất đồng về nhiều vấn đề, nổi bật là thương mại, sở hữu trí tuệ, tấn công mạng, biển Đông và mới nhất là đại dịch Covid-19 và dự luật an ninh Hồng Kông. Tại cuộc họp báo bên lề kỳ họp hôm 24-5, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng "một loại virus chính trị" đang lây lan ở Mỹ, khiến một số chính trị gia nước này liên tục công kích Bắc Kinh.
Theo ông Vương, những chính khách Mỹ này đang đẩy Washington và Bắc Kinh đến bờ vực của một cuộc chiến tranh lạnh mới, đe dọa phá hỏng thành quả hợp tác 2 nước đạt được trong nhiều năm qua. Bộ trưởng Vương cho rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ và phải tìm ra giải pháp cùng tồn tại trong hòa bình và hợp tác bất chấp còn những khác biệt.
Cảnh báo của Mỹ về Hồng Kông
Giới chức an ninh Hồng Kông hôm 25-5 cảnh báo "chủ nghĩa khủng bố" đang gia tăng tại đặc khu hành chính này sau khi hàng ngàn người đổ ra đường biểu tình dự luật an ninh quốc gia của Trung Quốc dành cho Hồng Kông.
"Các hoạt động đe dọa an ninh đặc khu ngày càng nhiều. Chỉ trong vòng vài tháng, Hồng Kông từ vị trí là một trong những thành phố an toàn nhất thế giới trở thành một thành phố bị bạo lực phủ bóng" - ông John Lee, người đứng đầu lực lượng an ninh tại Hồng Kông, nhận định. Theo Reuters, quan chức này cho rằng dự luật an ninh nói trên là cần thiết để bảo đảm sự ổn định cũng như thịnh vượng của đặc khu. Tương tự, ông Chris Tang, Cảnh sát trưởng Hồng Kông, bày tỏ sự ủng hộ đối với dự luật khi cho rằng nó giúp lập lại trật tự xã hội.
Trước đó, lượng an ninh Hồng Kông bắn hơi cay và vòi ròng để giải tán những người phản đối trong lúc hơn 180 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình hôm 24-5. Ông Tang cho biết thêm có ít nhất 14 trường hợp liên quan đến thuốc nổ bị phát hiện kể từ khi làn sóng biểu tình xảy ra vào tháng 6-2019.
Trong khi đó, Mỹ đang gia tăng sức ép lên Trung Quốc liên quan đến dự luật an ninh dành cho Hồng Kông. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien hôm 24-5 cảnh báo trong trường hợp dự luật được thông qua và thực thi, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ không thể xác nhận Hồng Kông vẫn duy trì mức độ tự trị đủ để được hưởng quy chế đặc biệt, cho phép đặc khu này hưởng lợi trong giao thương với Washington. Điều này đồng nghĩa Mỹ sẽ áp đặt trừng phạt lên Hồng Kông và Trung Quốc. Ông O’Brien cũng cảnh báo Hồng Kông có nguy cơ không còn là trung tâm tài chính châu Á nếu kịch bản trên thành hiện thực.
Xuân Mai
Bình luận (0)