Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) nhấn mạnh việc cắt đứt liên lạc sẽ là bước đi đầu tiên trong chính sách chống lại "kẻ thù" Seoul. Theo sau tuyên bố trên, Triều Tiên phớt lờ hàng loạt cuộc gọi từ Hàn Quốc.
Theo giới chuyên gia, quyết định trên của Bình Nhưỡng ẩn chứa nhiều động cơ và toan tính. "Trước mắt, Triều Tiên muốn chấm dứt hành động thả tờ rơi và chế ngự Hàn Quốc. Về lâu dài, họ muốn Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt" - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và An ninh (CDS) thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia Hàn Quốc (KRINS), ông Shin Beom-chul, khẳng định.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát biểu trong cuộc họp của Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên hồi tuần trước Ảnh: REUTERS
Cùng quan điểm, chuyên gia Shin Jong-woo của Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc (KDSF) cho rằng Bình Nhưỡng đang gia tăng sức ép để Seoul thuyết phục Washington nhượng bộ trong vấn đề hỗ trợ kinh tế và nới lỏng trừng phạt.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Sejong (Hàn Quốc) Cheong Seong-chang, quyết định của Bình Nhưỡng nhiều khả năng được thôi thúc bởi lập luận họ không còn gì để mất trong quan hệ liên Triều. "Triều Tiên khẳng định chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã phớt lờ vấn đề tờ rơi. Từ đó, họ kết luận không thể mong đợi gì từ chính quyền này" - ông Cheong giải thích.
Giới chuyên gia đều cho rằng tiếp theo Triều Tiên chắc chắn sẽ tiến hành các động thái khiêu khích quân sự và điều này đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh các kênh liên lạc quân sự liên Triều đã bị chấm dứt. Tuy nhiên, họ không cùng quan điểm về mức độ khiêu khích. Trong khi ông Cheong dự báo Triều Tiên thử nghiệm tên lửa trở lại, bao gồm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, các chuyên gia khác khẳng định Bình Nhưỡng sẽ có những động thái quân sự ít khiêu khích hơn, như tập trận ở Đông Hải.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 9-6 khẳng định Bắc Kinh hy vọng Seoul và Bình Nhưỡng sẽ hợp tác thông qua đối thoại.
Bình luận (0)