Cặp đôi trẻ có biểu cảm giống nhau hướng về phía máy ảnh với đôi mắt nâu sâu thẳm. Nam sinh đến từ Việt Nam cảm thấy đã gặp được tình yêu của đời mình trong khi cô gái Triều Tiên biết rằng không thể đáp lại tình cảm đó.
Đó là bức ảnh mà ông Pham Ngoc Canh, hiện 69 tuổi, chụp cùng bà Ri Yong-hui cách đây 48 năm. Họ được phép kết hôn vào năm 2002, thời điểm Triều Tiên có bước đi hiếm hoi khi cho phép công dân mình lấy một người ngoại quốc.
Tấm ảnh ông Canh và bà Ri chụp chung hồi năm 1971. Ảnh: Reuters
"Từ lúc tôi biết ông ấy, tôi đã rất buồn vì cảm thấy tình yêu này có thể sẽ không bao giờ thành hiện thực" - bà Ri, 70 tuổi, đang sống cùng ông Canh ở Hà Nội, kể với Reuters.
Hồi năm 1967 - thời kháng chiến chống Mỹ, ông Canh là một trong số 200 sinh viên Việt Nam được gửi đến Triều Tiên tu nghiệp. Vài năm sau, trong thời gian học nghề tại một nhà máy phân bón ở bờ biển phía Đông Triều Tiên, ông Canh gặp bà Ri - khi đó đang làm việc trong một phòng thí nghiệm.
"Tôi nghĩ tôi phải cưới cô gái này" - ông Canh kể lại. Thời điểm đó, ông Canh đã lấy hết can đảm để tiếp cận và xin địa chỉ của bà Ri. Người phụ nữ 70 tuổi hồi tưởng: "Ngay khi nhìn thấy ông ấy, tôi đã biết đó là tình yêu mình tìm kiếm. Trước đó, tôi gặp rất nhiều người đẹp trai nhưng tôi không có cảm xúc".
Nhưng có nhiều trắc trở vào thời điểm đó. Từ đó đến nay, Triều Tiên vẫn còn những quy định cấm công dân kết hôn với người nước ngoài.
Cả hai đang sống chung tại một ngôi nhà ở Hà Nội. Ảnh: Reuters
Sau rất nhiều lần trao đổi thư từ, bà Ri đồng ý cho ông Canh tới chơi nhà mình. Vậy là hàng tháng, ông lại ngồi xe buýt 3 tiếng rồi đi bộ thêm 2 km nữa để đến nhà người trong mộng.
Sau khi trở về Việt Nam từ năm 1973, ông Canh luôn cảm thấy buồn vì chuyện tình dang dở của mình. Vẫn nuôi dưỡng tình yêu đó, 5 năm sau, ông Canh đề nghị tham gia chuyến công tác sang Triều Tiên của viện kỹ thuật hóa học Việt Nam mà mình đang làm việc. Trong chuyến đi này, ông tìm cách gặp được bà Ri, thậm chí còn mang theo lá thư viết gửi giới lãnh đạo Triều Tiên khẩn cầu cho họ được lấy nhau.
Đến năm 1992, ông Canh một lần nữa sang Triều Tiên với vai trò phiên dịch viên cho một phái đoàn thể thao Việt Nam nhưng không thể gặp bà Ri. Khi ông trở về Hà Nội, bà Ri gửi thư cho ông nói rằng bà vẫn còn yêu ông.
Chuyện tình của ông Canh và bà Ri có kết thúc đẹp. Ảnh: Reuters
Cuối những năm 1990, khi Triều Tiên trải qua nạn đói nghiêm trọng, ông Canh vận động bạn bè quyên góp 7 tấn gạo sang giúp. Chính phủ Triều Tiên khi đó biết được nghĩa cử của ông Canh và đồng ý cho ông kết hôn với bà Ri, đồng thời cho phép bà sống ở nước nào cũng được nhưng vẫn giữ quốc tịch Triều Tiên.
Đến năm 2002, cả hai kết hôn tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bình Nhưỡng và đến Hà Nội sinh sống cho đến nay.
Trước thông tin về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra tại Việt Nam vào cuối tháng này, bà Ri cho hay: "Nếu ai đó là người Triều Tiên thì họ sẽ muốn mâu thuẫn được giải quyết. Nhưng chính trị khá phức tạp. Tôi hy vọng mọi thứ diễn ra tốt đẹp".
Bình luận (0)